Xin ra khỏi danh sách hộ nghèo: Không còn là cá biệt

GD&TĐ - Những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều chứ không còn là cá biệt ở hầu khắp các địa phương, từ Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum... một mặt cho thấy hiệu quả của chính sách giảm nghèo, nhưng quan trọng hơn đó là việc người dân đã từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Việc xin ra khỏi diện hộ nghèo là những hành động đáng để suy ngẫm và cần được nhân rộng. 
      Ảnh minh họa/INT
Việc xin ra khỏi diện hộ nghèo là những hành động đáng để suy ngẫm và cần được nhân rộng. Ảnh minh họa/INT

Minh chứng cho điều này là chia sẻ của một hộ gia đình ở xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên khi viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo: Khi khó khăn, gia đình được Nhà nước cho giống, vốn nên giờ đã có tích lũy, con cái được ăn học đầy đủ mà vẫn chờ vào Nhà nước là xấu hổ.

Còn lý do của một hộ gia đình người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là ưu tiên cho các hộ gia đình khác trong bản còn khó khăn hơn. “Miềng xin ra khỏi hộ nghèo một phần vì lòng tự trọng nhưng nói thật vợ chồng miềng cũng nhận thấy đã tự làm chủ được cuộc sống, không cần phải nhận trợ cấp của Nhà nước nữa...”.

Hay như việc cụ bà 83 tuổi ở Thanh Hóa đạp xe lên UBND xã xin ra khỏi hộ nghèo. Lý do là bởi vẫn đang tự lo được cho mình và đang giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn khác; muốn ra khỏi hộ nghèo để làm gương cho một số trường hợp chưa xứng đáng được hưởng chế độ hộ nghèo tại xã học tập, noi theo...

Chính sách hỗ trợ người nghèo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước. Thế nhưng để các nguồn lực này phát huy hiệu quả, bên cạnh việc triển khai thực hiện công khai, công bằng, minh bạch thì điều quan trọng chính là khơi dậy ý chí của người dân, để người dân thấy được việc thoát nghèo là trách nhiệm với chính bản thân, gia đình mình và với cộng đồng chứ không phải đã được xét là hộ nghèo thì không muốn ra, không phải “sướng nhất” là hộ nghèo.

Muốn làm được điều này, không gì khác là phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng các nguồn lực sao cho hiệu quả; vận động người dân thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất...

Cùng với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, việc ngày càng có nhiều hộ gia đình viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là những hạt nhân tốt để từ đó dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Và cũng từ đây có thể phát triển thành phong trào nhằm ngăn ngừa những chuyện “dở khóc, dở cười” như bò, dê cấp cho hộ nghèo “đi lạc” vào nhà cán bộ; bình xét đối tượng thụ hưởng sai, thậm chí trục lợi chính sách.

“Được” là hộ nghèo - điều tưởng như không ai mong muốn nhưng trước thực tế vẫn còn những trường hợp cố tình bằng mọi cách để “được” vào danh sách hộ nghèo hoặc “nhầm đối tượng” thì việc xin ra khỏi diện hộ nghèo là những hành động đáng để suy ngẫm và cần được nhân rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.