Kon Tum: Nhà máy rác xả thải ra môi trường

GD&TĐ - Số rác tồn động trong quá trình xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà không được che đậy, xử lý mùi hôi. Ngược lại đơn vị này để lộ thiên và xả nước thải trực tiếp ra môi trường.

Bãi rác lộ thiên bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Bãi rác lộ thiên bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Quanh khu vực Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà (huyện Đăk Hà, Kon Tum) bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tại bãi rác phía sau khuôn viên nhà máy chất cao vài mét với chiều rộng hàng chục mét. 2 ao nước thải của nhà máy đen kịt, không được che phủ để giảm thiểu mùi hôi. Số nước thải này được nhà máy dẫn dòng xả thẳng ra ngoài môi trường.

Bên cạnh nước thải đen kịt được dẫn dòng từ 2 ao, một ống với nước màu vàng sậm cũng được dẫn từ khuôn viên nhà máy đổ thẳng ra con suối cạnh bên. Chất thải đổ ra ngoài môi trường khiến nước suối sủi bọt, từng lớp váng nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Ông Luân Văn Gia (trú xã Hà Mòn) cho biết, hàng ngày ông đi làm thuê ở rẫy cà phê gần khu vực nhà máy nên thường xuyên ngửi thấy mùi hôi thối, hắc khó chịu. Đặc biệt vào khoảng 8-9 giờ sáng mùi hôi nặng nề hơn khi nhà máy tiến hành đốt rác.

“Không chỉ lúc đi làm, đến khi về nhà tôi vẫn ngửi thấy mùi thối rất khó chịu. Đặc biệt vào buổi sáng nhà máy tiến hành đốt rác, khói theo không khí bay đi rất hôi. Để giảm bớt mùi hôi, những lúc đi làm tôi bịt khẩu trang liên tục, tuy nhiên cũng chỉ hạn chế được một phần”, ông Gia chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Hà cho biết, từ khi Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà đi vào hoạt động đến nay đơn vị đã nhiều lần đi kiểm tra nhưng không phát hiện đơn vị này xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

Riêng mùi hôi bốc lên từ bãi rác còn tồn đọng trước đó, Phòng đã yêu cầu nhà máy phun thuốc để giảm thiểu mùi hôi, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, khi Phóng viên Báo GD&TĐ cung cấp hình ảnh nước thải đen ngòm được nhà máy dẫn dòng cho chảy ra ngoài môi trường, ông Tiến khẳng định nhà máy xả thải trộm.

“Đây chắc chắn là ông (nhà máy – PV) xả trộm. Không chỉ riêng bãi rác tồn đọng đâu, cái vòi (ống nước – PV) cũng xỉa ra là ông xả thải trộm rồi. Cái này anh sẽ đi kiểm tra ngay và thông tin lại…

Đúng ra khi nhà máy xử lý phải có một lớp bạt phủ không để phát tán mùi. Khi xử lý phải qua 1 bể chứa, qua 1 bể lọc và 1 bể xử lý vi sinh nữa. Tối thiểu phải qua 3 bể. Còn đây nước thải chưa qua xử lý là ông sai phạm”, ông Tiến khẳng định.

Cũng theo vị Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, nếu xả ra ngoài môi trường thì nước phải đạt loại A.

“Nước nếu đạt loại A có thể rửa mặt được, thậm chí nếu khát lắm uống cũng được. Nước đó thì mới thải ra môi trường được vì vô hại rồi”, ông Tiến nói.

Bà Bùi Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ Tầng huyện Đăk Hà cho biết, Nhà máy xử lý chất thải rắn có chủ trương xây dựng từ tháng 5/2018, đến tháng 4/2020 hoàn thành và tiến hành chạy thử nghiệm. 5 tháng sau nhà máy chính thức đi vào hoạt động và xử lý rác thải trên địa bàn huyện Đăk Hà và TP Kon Tum.
Theo bà Oanh, Nhà máy xử lý chất thải rắn do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH đầu tư với quy mô khoảng 3ha với công suất xử lý 75 tấn rác/ ngày, đêm. Hiện nay nhà máy đang trong giai đoạn nâng cấp để xử lý 130 tấn rác/ngày, đêm.
Cũng theo bà Oanh, nhà máy được xây dựng trên cơ sở bãi rác cũ của huyện. Trong thời gian nhà máy xây dựng thì có khoảng 33.500 tấn rác tại địa phương bị tồn đọng và đổ lộ thiên trong khuôn viên. Chính vì vậy, khi nhà máy đi vào hoạt động bên cạnh việc xử lý rác mới khoảng 11-14 tấn/ngày thì sẽ tận dụng khai thác triệt để công suất xử lý rác tồn đọng. Dự kiến đến hết năm 2024 sẽ xử lý toàn bộ 33.500 tấn đang tồn đọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

'Mở lòng' với ngành học mới

GD&TĐ - Nhiều sinh viên sốc khi bước vào năm học vì trót theo học ngành “lỡ trúng tuyển”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “dở khóc, dở cười này”.

Thuốc lá điện tử len lỏi vào học đường

Thuốc lá điện tử len lỏi vào học đường

GD&TĐ - Thuốc lá điện tử đang trở thành trào lưu của giới trẻ và “xâm nhập” vào nhiều trường học, gây ảnh hưởng xấu tới lối sống, sức khỏe của học sinh.