Thật ra thì có bao nhiêu người đến được Kon Tum, một vùng đất Tây Nguyên xa thẳm, đôi khi đi trên đường thấy vắng bóng người.
Tôi bảo anh taxi chở tôi đi Kon Kơ Tu, cũng dặn anh một tiếng đồng hồ sau quay lại đón tôi. Kon Kơ Tu thuộc xã Đăk Rơ Wa của người dân tộc Ba Na được xem là làng cổ nhất trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay.
Cái tên Kon Kơ Tu thật lạ, có nghĩa là làng gốc, làng hoang. Mà lạ cũng phải, bởi đây có lẽ là một làng dân tộc Ba Na vẫn còn giữ nguyên sự hồn nhiên, không bị làn sóng khách du lịch tấn công.
Nhà rông cao vút, dễ chừng cũng 15 mét, có vài trẻ em đang vui chơi. Tôi leo lên cầu thang bằng một thanh gỗ khắc từng nấc để vào. Đây là nhà chung của cả làng, sẽ diễn ra các sự kiện và bên trong có cả lò lửa để khi cần sẽ nhóm lên.
Kon Kơ Tu có những con đường đất nhỏ, những ngôi nhà cứ đan xen, gần như không xây dựng hàng rào. Tôi rời khỏi nhà rông, thong thả đi dạo quanh.
Các gia đình ở đây cho biết, việc khách du lịch đi ngắm làng là bình thường, họ hồn nhiên chào và vui vẻ. Nhiều em bé còn lẫm chẫm chạy theo.
Có một con dốc trũng xuống đã xây xi măng cho dễ đi lại, nhiều cô gái mang gùi, trong gùi có nhiều chai pet nhựa. Các cô giải thích là đến thác H’Lay và thác Mốp cách làng chừng 2.000m để lấy nước về uống, vì gần như cả làng không ai đào giếng.
Tôi đã đi qua biết bao nhiêu buôn làng Tây Nguyên, khi lạc lối ở Kon Kơ Tu tôi lại thấy ở đây một ngôi làng dân tộc gần như còn nguyên trạng, chẳng hề bị làn sóng khách du lịch làm sai lệch. Dẫu trong sự hòa nhập cuộc sống, một số căn nhà đã chuyển qua xây gạch, nhưng Kon Kơ Tu vẫn còn trên 20 ngôi nhà sàn được dựng theo kiến trúc truyền thống về nhà ở của người Ba Na.
Hiện Kon Kơ Tu có khoảng 120 hộ với 700 nhân khẩu. Học trò đi học bằng xe đạp hoặc đi bộ ở ngôi trường gần đó. Cạnh làng là dòng sông Đắk Bla, và chính nguồn nước của dòng sông đã tạo ra cho cảnh quan hai ven bờ nơi này mang một vẻ trữ tình, êm ấm.
Con đường tôi đi qua im ắng, toát lên vẻ thanh bình, toát ra sự yên bình. Và cuộc sống ta chỉ cần những phút giây yên bình như thế.