Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA cho rằng, Kính viễn vọng không gian James Webb dần dần “lùi theo thời gian”, để tiếp cận các thiên hà đầu tiên trong vũ trụ. Kính này cũng có thể hữu ích trong tìm kiếm dấu vết sự sống lạ trong vũ trụ (bằng cách đo lường xem khí quyển các hành tinh xung quanh những ngôi sao lân cận có chứa dấu vết sự sống hay không).
Nhóm các nhà thiên văn học ở ĐH Washington (Mỹ) dưới sự dẫn dắt của Joshuy Krissansen – Totton đã kiểm tra xem Kính viễn vọng có thể phát hiện dấu hiệu mà các nhà khoa học gọi là chữ ký sinh học (biosignature) trong khí quyển các hành tinh quay xung quanh những ngôi sao khác. Hóa ra, Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này.
“Chúng ta có thể thực hiện những quan sát trong vài ba năm gần đây nhất” – ông Krissansen - Totton cho biết.
Cơ sở của việc tìm kiếm là tính nhạy cảm đối với ánh sáng của JWST cho phép phát hiện cái gọi là sự mất cân bằng hóa học khí quyển. Hiện tượng này được đề cập lần đầu tiên bởi hai nhà khoa học James Lovelock và Carl Sagan.
Vậy, mất cân bằng hóa học khí quyển là dựa trên cái gì? Nếu như ngày mai, toàn bộ sự sống trên Trái đất biến mất, nhiều loại khí tạo nên khí quyển sẽ bị lệ thuộc vào các phản ứng hóa học tự nhiên. Điều này dẫn tới việc quay trở lại dần dần đến thời điểm khởi đầu – trước khi sự sống xuất hiện. Điều đó có nghĩa là khí quyển các hành tinh nơi có các sinh vật sinh sống là khác với khí quyển các hành tinh không có sinh vật sinh sống.
Từ lâu, việc tìm kiếm dấu vết oxy hay ozon được cho là phương pháp tốt để phát hiện sự sống. Tất nhiên là chúng ta đặt giả thiết rằng sự sống ngoài hành tinh dựa trên những quy luật như trên Trái đất. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không phải là bắt buộc. Chính vì vậy, đánh giá sự mất cân bằng hóa học khí quyển (tìm kiếm các loại khí khác và xác định xem chúng cách xa đến đâu so với hành tinh mẫu) có thể là chìa khóa để tìm sự sống ngoài Trái đất.
Thành phần hóa học khí quyển hành tinh quay xung quanh ngôi sao khác có thể được đo bằng hiện tượng transit – tức là sự dịch chuyển một thiên thể (ngoại hành tinh) ngang qua mặt thiên thể thứ hai (ngôi sao). Các loại khí trong khí quyển hành tinh gây ra sự khác biệt trong các phép đo độ dài sóng ánh sáng, tiết lộ thông tin về số lượng các chất hóa học trong khí quyển hành tinh.