TPHCM: Kiến nghị tháo khó trong cải tạo chung cư

GD&TĐ - TPHCM vừa có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Nghị định 101 hai phương án áp dụng cho trường hợp Nhà nước trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm. 

Một chung cư cũ xuống cấp trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, TPHCM.
Một chung cư cũ xuống cấp trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, TPHCM.

Những kiến nghị trên xuất phát từ việc Luật Nhà ở 2005 quy định có tối thiểu 2/3 (66,6%) chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ nhà chung cư là quyết định có hiệu lực.

Nhưng Luật Nhà ở 2014, quy định này đã thay đổi khi yêu cầu phải được tất cả các chủ sở hữu nhà chung cư (100%) thống nhất phá dỡ nhà chung cư (không phải là nhà chung cư hư hỏng nặng cấp D - cấp nguy hiểm, không an toàn cho người sử dụng) mới có thể xây dựng lại.

Quy định trên vô tình đã “trói” công tác cải tạo, xây mới chung cư cũ nát nhiều năm qua. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ với hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng trước năm 1994. Trong số chung cư này có tới 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm cấp độ D.

Mặc dù vậy, trong 10 năm qua, tỉ lệ nhà chung cư được cải tạo, sửa chữa mới chưa đến 3%. Nguyên nhân khiến việc cải tạo chung cư cũ bế tắc là bởi quy định tỉ lệ đồng thuận của cư dân trong phá dỡ, lựa chọn chủ đầu tư...

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Dự thảo Nghị định 101).

Tuy nhiên, HoREA cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư trong việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, cần sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Nghị định 101 một số quy định còn vướng mắc.

Trong đó, vướng mắc lớn nhất là tỉ lệ cư dân đồng thuận phá dỡ cần được nghiên cứu lại để tháo khó. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết: Tại Khoản 3, Điều 110, Luật Nhà ở quy định dự án phải được tất cả (100%) các chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới là không sát với thực tiễn và không khả thi.

Do vậy, HoREA đề nghị Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù về tỉ lệ (khoảng 80%) chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư mới.

Còn về tỉ lệ chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tại Khoản 5 Điều 8 trong Dự thảo Nghị định 101 quy định: “Hội nghị nhà chung cư phải có ít nhất 70% tổng số chủ sở hữu căn hộ nhà chung cư đó tham dự và doanh nghiệp được lựa chọn phải được tối thiểu 70% tổng số các chủ sở hữu tham dự đồng ý.

Trường hợp có nhiều doanh nghiệp tham gia thì lựa chọn doanh nghiệp nhận được tỉ lệ đồng ý cao nhất của các chủ sở hữu tham dự Hội nghị nhà chung cư…”.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ