Tiến tới bao phủ BHYT toàn dân: Nỗ lực hơn trong việc thu hút khoảng 10% dân số còn lại

GD&TĐ - Với nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, đến năm 2020, đã có 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 4. Ảnh: Quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 4. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 11/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ tư, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và hai năm 2019-2020 thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2020, tổng thu BHYT là 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó, tiền đóng BHYT ước thực hiện là 108.485 tỷ đồng, tăng 301 tỷ đồng so với năm 2019.

Tổng chi cho công tác khám, chữa bệnh BHYT năm 2020 là 99.730 tỷ đồng (chưa bao gồm 3.668 tỷ đồng vượt tổng mức thanh toán năm 2020), trong đó, chi khám, chữa bệnh BHYT là 98.525 tỷ đồng và chi chăm sóc sức khỏe ban đầu 1.104 tỷ đồng, cao hơn số được phép chi cho khám, chữa bệnh BHYT theo quy định (90% tổng thu BHYT tương đương với 97.636,5 tỷ đồng) hơn 2.000 tỷ đồng. Dự kiến, chi phí quản lý quỹ năm 2020 là 4.101 tỷ đồng, bằng 3,7% ước thực hiện thu BHYT, giảm so với năm 2019.

Chênh lệch thu và chi Quỹ BHYT là dương 5.071 tỷ đồng do công tác kiểm soát thu, chi BHYT được tăng cường. Số dư quỹ lũy kế dự kiến là 32.991 tỷ đồng, trong đó, Quỹ Dự phòng BHYT là 25.745 tỷ đồng, theo dự toán, chênh lệch thu - chi năm 2021 là dương 3,829 tỷ đồng, tăng 111,6% so với năm 2020.

Về thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, sau 8 năm thực hiện, nhìn chung các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.

Chỉ tiêu đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế đã được hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Năm 2020, có 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra. Đến năm 2020, gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đã kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin giám định BHYT, đạt tỷ lệ 97,56%.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, các cấp, các ngành, trong đó trực tiếp là ngành y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Như vậy, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là một mục tiêu khả thi, hoàn toàn có thể đạt được.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình hiện mới đạt độ bao phủ là 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại một số địa phương bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm dẫn đến tình trạng chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình... "Mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới có nhiều thách thức hơn, nếu không có những giải pháp căn cơ hoặc thậm chí đột phá hơn thì sẽ có khó khăn hơn", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã có sự phối hợp khá hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế năm 2019- 2020, nhất là những cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68 cũng như trong quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế cần khắc phục và nỗ lực hơn nữa trong việc thu hút khoảng 10% dân số còn lại chưa tham gia bảo hiểm y tế, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, cần tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 để thấy được toàn diện kết quả, hạn chế, nguyên nhân sau 8 năm thực hiện, trong đó quan tâm đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa thực hiện được.

Trên cơ sở bối cảnh mới của đất nước, Chính phủ có kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cho giai đoạn tới một cách khoa học, toàn diện, bền vững, hiệu quả và khả thi; sớm trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, thể chế hóa các nhiệm vụ đặt ra để đạt mục tiêu về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Cùng với đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn chuyên môn về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, đấu thầu, tự chủ bệnh viện và các văn bản liên quan, tạo sự thống nhất, thuận lợi trong quá trình hoạt động; ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán chi phí và điều trị cho người mắc COVID-19, nhất là các ý kiến phát biểu tại phiên họp về việc người bị bệnh nền phải đảm bảo điều trị, thanh toán đúng pháp luật, nhưng nếu còn vướng thì Bộ Y tế báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể bổ sung vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.