Thị trường lao động: Đang phục hồi nhưng khó đột biến

Những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng, nhưng thường chỉ tập trung nhiều vào việc làm thời vụ, bán thời gian...

Người lao động đang quay trở lại thị trường khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.
Người lao động đang quay trở lại thị trường khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.

Việt Nam đã trải qua hơn một tháng không có ca lây nhiễm Covid 19 mới trong cộng đồng. Hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa đang dần trở lại bình thường sau khi khống chế thành công làn sóng dịch bệnh thứ 2.

Mặc dù vậy, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid 19 đến nay vẫn tiếp tục tạo sức ép lớn lên thị trường lao động, việc làm và cả nền kinh tế, nhất là khi thời điểm chỉ còn ít tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020, đặt ra những thách thức lớn để thị trường lao động có thể phục hồi.

Lao động mất việc, giảm thu nhập ở mức cao

Những thách thức này càng hiện hữu hơn khi nhìn vào kết quả điều tra lao động, việc làm quý 3/2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, mặc dù tình hình việc làm, thu nhập của người lao động đã có sự cải thiện so với quý trước, song thực tế những tác động của covid 19 lên thị trường lao động vẫn rất nặng nề.

Cụ thể, tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong đó, lao động bị giảm thu nhập là 68,9%; lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%.

Những khó khăn mà dịch Covid 19 gây ra dù vẫn tiếp tục khiến cả doanh nghiệp và người lao động phải "lao đao", song khi dịch bệnh đang được kiểm soát thị trường bước đầu đã ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc.

Cũng theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam sẽ dần phục hồi, nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang có những tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường, dù vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái như cũ.

Tại Hà Nội, một trong những thị trường lao động lớn nhất cũng đang ghi nhận những tín hiệu lạc quan hơn. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho VnEconomy biết, chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, trung tâm đã có hơn 500 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với khoảng 6.000 vị trí việc làm. "Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 khi làn sóng dịch thứ 2 bùng phát, nhu cầu tuyền dụng có giảm nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9, thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, tương tự các tháng trước trung bình mỗi tháng đều có trên dưới 500 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng", ông Thành thông tin.

Cuối năm nhu cầu tăng nhưng ít có đột biến

Dù bước đầu ghi nhận những tín hiệu tốt, song khi đánh giá về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong những tháng còn lại của năm 2020, ông Thành cho rằng là không thể nói chắc chắn điều gì vì còn tùy thuộc vào các kịch bản phòng chống dịch.

Với kịch bản lạc quan nhất là Việt Nam kiểm soát và phòng chống dịch tốt, cùng sự mở cửa trở lại giao thương với các đối tác quốc tế, lúc này hoạt động lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sôi động lên thì tình hình biến động nhân sự sẽ xảy ra nhiều hơn, nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ tăng lên song không đáng kể.

"Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch, vì dù Việt Nam cơ bản đã khống chế được nhưng trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, chúng ta vẫn bị "ngăn sông cấm chợ" rất nhiều. Những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng nhưng không nhiều, đấy là trong trường hợp chống dịch tốt và tình hình thế giới bắt đầu kiểm soát được", ông Thành nhận định.

Cũng theo ông Thành, thực tế những tháng cuối năm thị trường lao động bắt đầu sôi nổi hơn vì đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các dịp lễ, Tết Nguyên đán. Do đó, nhu cầu tuyển dụng luôn tăng cao, tuy nhiên thường tập trung nhiều vào việc làm thời vụ, bán thời gian, còn lao động toàn thời gian vẫn cơ bản giữ ở mức ổn định.

Dự báo, một số ngành nghề sẽ có nhiều nhu cầu lao động trong thời điểm này tập trung chủ yếu là khối thương mại dịch vụ, giao nhận hàng, thương mại điện tử, logistic và công nghiệp chế biến…

Thị trường lao động cuối năm: Đang phục hồi nhưng khó có đột biến - Ảnh 1.

Người lao động tìm hiểu thông tin và đăng ký tuyển dụng tại một trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn Hà Nội.

Nhu cầu tăng là thế, nhưng xét về mức lương của lao động, ông Thành cho rằng sẽ khó có sự đột biến trong những tháng cuối năm. Qua khảo sát và nắm bắt tâm tư của các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại trung tâm, hầu hết cho biết đều khó khăn, mục tiêu trước mắt là giữ được việc làm cho người lao động. "Về mức lương, chắc chắn không có biến động lớn, doanh nghiệp sẽ có chính sách lương thưởng phù hợp từ những nhìn nhận chung về mặt bằng lương trên thị trường. Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp sẽ có cơ chế chi trả lương riêng để giữ chân nhân tài cũng như chính sách ưu đãi khác nhau về mặt quyền lợi và thu nhập".

Để tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau hiệu quả hơn, ông Thành cho biết tới đây trung tâm sẽ tăng cường hơn nữa việc thu thập thông tin từ cả hai phía, đặc biệt là nhu cầu sử dụng lao động. Từ đó, sẽ có những phản hồi kịp thời, chính xác nhất để tư vấn cho doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng thực hiện kế hoạch của thành phố Hà Nội về tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày. "Có thể quy mô vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, các phiên sẽ hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần tại đồng bộ 15 điểm sàn trên toàn địa bản thành phố. Ngoài các phiên định kỳ, chúng tôi cũng sẽ tổ chức thêm một số phiên lưu động tại địa phương", ông Thành nói và cho biết thêm để phòng chống dịch sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong phỏng vấn online. 

Trước mắt, doanh nghiệp có thể vẫn tập trung tại sàn việc làm, nhưng người lao động có thể ngồi ở bất kỳ đâu đều có thể truy cập vào hệ thống để phỏng vấn, việc này nhằm tận dụng tối đa nguồn lao động tại các địa bàn.

Còn chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thì cho rằng, để phục hồi thị trường lao động, Nhà nước cần thực hiện các chính sách kích cầu, cắt giảm thuế, hỗ trợ chuyển dịch lao động từ làm việc trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số để tạo nhiều cơ hội việc làm linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, khi chưa biết biết bao giờ dịch mới kết thúc, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và an sinh xã hội của Nhà nước nên tiếp tục được duy trì, thậm chí là dài hơi ít nhất là đến đầu năm 2021. 

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là không được tăng chi phí cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, thậm chí là phải cắt giảm, đơn cử như kinh phí công đoàn 2% cũng nên xem xét trước mắt giảm xuống nhằm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Theo vneconomy.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ