Bên cạnh đó, những sàn giao dịch việc làm được cơ quan chức năng Đà Nẵng tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng người lao động của doanh nghiệp, hứa hẹn một thị trường lao động đầy khởi sắc.
Tăng trưởng âm sau 23 năm
Tại cuộc họp báo vào ngày 30/6, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 6 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng tăng trưởng âm 3,61%. Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương có mức tăng trưởng âm. Đây là lần đầu tiên kinh tế TP tăng trưởng âm, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 1997.
Cụ thể, quy mô toàn nền kinh tế Đà Nẵng 6 tháng qua ước đạt gần 52 ngàn tỷ đồng, thu hẹp hơn 900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó phần lớn là thu hẹp ở khu vục dịch vụ.6 tháng đầu năm 2020, chỉ duy nhất lĩnh vực nông - lâm - thủy sản là ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên có mức tăng trưởng tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lĩnh vực này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nền kinh tế nên không tác động nhiều đến tình hình chung.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm ở hầu hết các ngành, trung bình giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19. Kết quả khảo sát nhanh gần 7.200 doanh nghiệp, có đến 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội chiếm đến 58,4%; 37,4% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; 40,6% doanh nghiệp khó khăn về các khoản chi trả cho người lao động 31,9% doanh nghiệp khó khăn về chi phí thuê mặt bằng; 30,9% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và 44,3% doanh nghiệp giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn từ hai yếu tố trở lên.
Theo kết quả sơ bộ điều tra lao động – việc làm, tỉ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố 6 tháng đầu năm chạm mốc 7,24%; tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 7,55% (cùng kỳ năm 2019, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi chỉ 2,89%). 6 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng có khoảng 179.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, có 12,6 nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 59,6 nghìn lao động bị ngừng việc, nghỉ không hưởng lương; 106,8 nghìn lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hơn 24 nghìn hộ kinh doanh bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Đà Nẵng đã chi hỗ trợ cho 96.380 đối tượng, kinh phí gần 103,4 tỉ đồng. Trong đó, có 14.247 người có công với cách mạng; 26.356 đối tượng bảo trợ xã hội; 628 lao động bị mất việc, tạm nghỉ không lương, 90 hộ kinh doanh cá thể và 55.059 hộ nghèo, cận nghèo (tính đến ngày 25/6).
Tổ chức ngày hội việc làm
Đại diện Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng cho hay, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ngừng hoặc đình trệ sản xuất. Bên cạnh đó, các thị trường tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… bị dừng do các nước thực hiện các biện pháp phòng dịch, không nhập khẩu hàng từ các nước khác đến.
Trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, Đà Nẵng đã hỗ trợ cho người dân trong những ngày thất nghiệp. Sau khi Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, có một số cơ sở sản xuất đã bắt đầu sản xuất trở lại. Sở đã có kế hoạch để kết nối để đáp ứng cung – cầu giữa người lao động và doanh nghiệp bằng cách mở sàn giao dịch việc làm. Để từ đó, các doanh nghiệp khi hoạt động trở lại sẽ tìm và kết nối với người lao động.
Ông Nguyễn Thanh Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng thông tin, mỗi năm trung tâm kết nối và giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 30.000 lao động tại 1.500 – 1.700 đơn vị, doanh nghiệp. Theo ông, trong năm 2020, trung tâm đã tổ chức được 11 phiên giao dịch việc làm, thu hút 346 doanh nghiệp đăng ký, tuyển dụng hơn 8.100 lao động. Trong đó, hơn 4.100 vị trí lao động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, gần 3.750 vị trí làm việc trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, còn lại là lao động trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp.
Thời gian tới, trung tâm sẽ tổ chức các ngày hội việc làm di động tại các quận, huyện để hỗ trợ người lao động tìm việc làm; Đồng thời cũng giúp doanh nghiệp địa phương chủ động tìm kiếm được ứng viên phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Trung tâm sẽ phối hợp với các tỉnh lân cận như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để tổ chức phiên giao dịch trực tuyến. Ít nhất mỗi quý 1 phiên để thu hút người lao động tham gia.
Ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp Viện Nghiên cứu xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm. Cơ quan thống kê cùng phối hợp với Viện Nghiên cứu để xây dựng 3 kịch bản. Trong đó có những kịch bản vẫn chưa phục hồi được so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn có những kịch bản đạt tốc độ tăng 2 - 3% so với bình quân chung cả nước.