Những đứa trẻ hồi hương từ vùng chiến sự

GD&TĐ - Vợ chồng anh Hiệp định cư ở Ukraine và có 3 người con. Khi chiến tranh xảy ra nhà anh đã về nước. Anh đang làm các thủ tục cần thiết để các con được đến trường.

Gia đình anh Hiệp đang ở tạm nhà anh trai tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh.
Gia đình anh Hiệp đang ở tạm nhà anh trai tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh.

Là một trong những công dân đầu tiên từ vùng chiến sự Ukraine trở về, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn nhớ như in tâm trạng lo lắng, sợ hãi khi cùng một nhóm người Việt sơ tán khỏi thành phố Odessa đến biên giới Moldova.

Ký ức khó quên

Đã nhiều ngày kể từ khi tiếng bom đầu tiên nổ trên thành phố cảng Odessa của Ukraine, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1984, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại. Khoảng 5 giờ sáng 24/2, khi chị và 3 người con đang chìm trong giấc ngủ thì bị đánh thức bởi một tiếng nổ lớn. Ban đầu, chị Hồng chỉ nghĩ đây có thể là tiếng nổ bình gas hoặc một sự cố nào đó.

Chỉ vài phút sau đó, tiếng nổ lớn thứ 2 vang lên khiến chị Hồng phải choàng dậy. Linh cảm có điều chẳng lành, chị vội cầm điện thoại vào các nhóm trên mạng xã hội của người Việt Nam để nghe ngóng tin tức thì mới biết tình hình chiến sự đã gần đến thành phố mà mình đang sinh sống.

Cảm giác hoang mang, lo sợ cùng những giả thiết tiêu cực bắt đầu xâm lấn suy nghĩ. Để trấn an bản thân cũng như không làm các con hoảng sợ, chị Hồng cố giữ bình tĩnh và gọi điện thông báo tình hình sự việc cho chồng. Lúc này, chồng của chị là anh Lê Thanh Hoàng Hiệp (SN 1984) đang trở về Việt Nam ăn Tết và chưa quay trở lại.

Nhờ chồng động viên, chị Hồng dần bình tâm trở lại, bắt đầu tính toán cho những ngày khó khăn tiếp theo tại Odessa. “Chỉ chờ đến trời sáng, tôi bắt đầu đi siêu thị mua sắm, tích trữ lương thực và thuốc men. Cả thành phố như bắt đầu hỗn loạn. Dòng người chen nhau mua hàng, siêu thị, tiệm thuốc, cây ATM như vỡ trận. Phải xếp hàng mấy tiếng đồng hồ tôi mới mua được một số thứ”, chị Hồng nhớ lại.

Trong thời gian này, chị Hồng và các gia đình người Việt khác ở Odessa thường xuyên giữ liên lạc, chia sẻ thông tin chiến sự với nhau, đồng thời bàn bạc và lên phương án đi sơ tán. Khi nào nghe thấy tiếng còi báo động thì mẹ con chị lại chạy xuống tầng hầm để lánh nạn.

Rạng sáng 1/3, một nhóm khoảng 60 người Việt Nam bao gồm cả trẻ em đi trên 11 xe ô tô hướng về biên giới giữa Ukraine và Moldova. Bỏ lại sau lưng tất cả, hành trang mang theo của mỗi gia đình chỉ là vài bộ quần áo và một số vật dụng cần thiết.

“Từ thành phố ra đến biên giới hơn 120km, tuy nhiên, chúng tôi đi đường tắt xấu hơn chỉ khoảng 70km. Đến đoạn đường đẹp, đoàn xe chạy với vận tốc 120 km/h. Dù chạy nhanh nhưng các xe vẫn đợi nhau, xe đi đầu và xe đi cuối đều phải giữ liên lạc không để một thành viên nào trong đoàn sót lại phía sau. Lúc ngồi trên xe, 3 đứa con vẫn chưa biết chiến tranh đang xảy ra, chúng chỉ nghĩ đây là một cuộc dã ngoại sau thời gian dài ở nhà”, chị Hồng kể.

Đến biên giới Moldova, dòng người Ukraine đi tị nạn kéo dài hàng cây số, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, nhóm người Việt của chị Hồng mới được thông quan. Ở bên kia biên giới, người tị nạn được chính quyền Moldova cung cấp sim điện thoại để liên lạc, bố trí chỗ ăn, ngủ, tất cả đều miễn phí.

“Ở lại Moldova 2 ngày, 3 đêm thì Đại sứ quán Việt Nam ở Rumani đưa xe đến đón chúng tôi sang đó. Sang đến Rumani, tôi và 9 người khác được bố trí ở trong một căn phòng rộng rãi, có lò sưởi, có nước nóng, có nhà vệ sinh khép kín. Dưới sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, gia đình tôi đăng ký và may mắn có mặt trên chuyến bay đưa người Việt Nam về nước. Thật may mắn vì tất cả mọi người được an toàn”, chị Hồng kể.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng bên con trai.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng bên con trai.

“Chắc chắn sẽ quay trở lại”

Anh Lê Thanh Hoàng Hiệp rời quê hương sang xứ người lập nghiệp năm 2007. 7 năm sau, chị Hồng mới cùng qua đây và hai người tổ chức đám cưới. Hiện, vợ chồng anh có với nhau 3 người con, cháu út năm nay mới hơn 5 tuổi.

Giống như hầu hết những người Việt khác ở đây, gia đình anh Hiệp mở cửa hàng kinh doanh buôn bán tại một khu chợ đầu mối. Sau nhiều năm tích cóp, chăm chỉ làm ăn, vợ chồng mua được một căn hộ chung cư trong khu đô thị Làng Sen do người Việt xây dựng nên.

“Ở khu đô thị Làng Sen đa phần là người Việt sinh sống. Có khoảng 600 người lớn, chưa tính trẻ em và một số ít người Hoa. Cộng đồng người Việt ở đây sống rất tình cảm và thân thiết, luôn hỗ trợ lẫn nhau trong công việc cũng như cuộc sống. Khi chúng tôi đi di tản, một số người Việt vẫn tình nguyện ở lại trông coi tài sản. May mắn nhà cửa vẫn còn”, anh Hiệp nói và cảm thấy an tâm.

Nhiều năm sinh sống và làm việc ở Ukraine, gia đình anh Hiệp có một tình cảm đặc biệt đối với đất nước này và xem đây là quê hương thứ hai của mình. Khi chiến sự xảy ra, một số người bản địa đã gọi điện hỏi thăm và sẵn sàng giúp đỡ nếu gia đình anh cần.

“Có người hỏi có quay trở lại không? Có gặp nhau nữa không? Tôi khẳng định sẽ quay lại vì bạn bè ở bên kia nhiều, còn có công việc, nhà cửa và tài sản… Khi đó họ mới yên tâm và gửi lời chúc an lành. Sẽ sớm thôi, chúng tôi sẽ quay lại Ukraine gây dựng lại từ đầu”, anh Hiệp bùi ngùi.

Về Việt Nam, gia đình 5 thành viên của anh Hiệp hiện nay đang ở tạm nhà anh trai tại thành phố Vinh, Nghệ An. Gác lại những khó khăn trước mắt, người đàn ông này cho biết, việc học của con mình đang bị gián đoạn khiến vợ chồng anh rất lo lắng.

“Điều tôi lo lắng nhất khi về nước là 3 người con chưa được đến trường, tôi vẫn đang làm các thủ tục cần thiết. Trong thời điểm chiến tranh, việc thiếu một số giấy tờ hay học bạ ở nước ngoài không đem về được là điều khó tránh khỏi. Rất mong địa phương tạo điều kiện để các cháu sớm được đến trường”, anh Hiệp băn khoăn.

Theo người đàn ông này, do cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine rất đông đảo nên trong chương trình giảng dạy tại trường học có bộ môn Tiếng Việt. Ngoài ra, các hội người Việt cũng thường xuyên mở lớp học về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử dân tộc cho nên hầu hết trẻ em người Việt lớn lên ở đây đều có thể nói và viết thành thạo tiếng mẹ đẻ. Chính vì thế, nếu sớm được đến trường ở Việt Nam, các con của anh Hiệp cũng sẽ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và bắt kịp với các bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em gái Pakistan phải làm ruộng thay vì được đi học.

Bất bình đẳng giáo dục tại Pakistan

GD&TĐ - Pakistan đối mặt với khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng, khi hơn 26 triệu trẻ em không được đến trường, phần lớn ở các vùng nông thôn.

Nga giành lại phần lớn lãnh thổ Ukraine kiểm soát ở Kursk.

Chiến tích lớn ở Kursk

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/1/2025 cho biết, quân đội Nga hiện đã giành lại phần lớn lãnh thổ ở Khu vực Kursk mà quân đội Ukraine kiểm soát trước đó.