Huy động toàn bộ lực lượng đồng hành cùng người dân miền Trung sau mưa lũ

GD&TĐ - Bộ NN&PTNT đã huy động toàn bộ lực lượng đồng hành cùng các tỉnh miền Trung, vừa triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai cũng như khôi phục sản xuất.

Cuộc sống của người dân ở miền Trung gặp nhiều khó khăn sau mưa lũ.
Cuộc sống của người dân ở miền Trung gặp nhiều khó khăn sau mưa lũ.

Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ, thiên tai gây ra trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã huy động toàn bộ lực lượng đồng hành cùng miền Trung, vừa triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai vừa khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống người dân.

Theo đó, vào ngày 27/11, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp tại 6 tỉnh khu vực miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sau thiên tai.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đợt bão lũ lịch sử vừa qua, ngành nông nghiệp bị thiệt hại lớn nhất, trọng tâm rơi vào 6 tỉnh miền Trung với tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng, hàng trăm người thương vong.

Bộ NN&PTNT đã huy động toàn bộ lực lượng đồng hành cùng các tỉnh miền Trung, vừa triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai cũng như khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống người dân.

Hiện nay, chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, ưu tiên hỗ trợ người dân khôi phục trồng trọt và chăn nuôi với các loại cây, con ngắn ngày. Đồng thời, chủ động liên hệ, kết nối huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân một số chủng loại giống cây trồng, vật nuôi nhằm kịp thời phục vụ dân sinh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị thiệt hại sau bão lũ. Bộ NN&PTNT cũng đã phân bổ kịp thời giống cây trồng kịp thời để người dân triển khai vụ Đông muộn.

Để kịp thời tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021, các tỉnh miền Trung cũng đã tổ chức huy động các lực lượng vũ trang, hội đoàn thể tổ chức các đợt ra quân vệ sinh, cải tạo đồng ruộng. Đồng thời, có phương án chuyển đổi sản xuất cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích bị bồi lấp.

Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, Chính phủ cũng đã xuất cấp 15.804 tấn gạo; Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô và gần 16 tấn hạt giống rau cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng hỗ trợ 13 tấn lúa, ngô giống các loại, để giúp người dân 4 tỉnh trên. Cùng với đó, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các tổ chức quốc tế và một số quốc gia hỗ trợ tiền, hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị, để khắc phục hậu quả các đợt bão lũ liên tiếp vừa qua, các địa phương cần phải huy động tối đa nhân lực và vật lực để triển khai nhanh các nhóm giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trước mắt phấn đấu từ nay đến Tết Âm lịch phải phục hồi sản xuất, hỗ trợ người dân bảo đảm đời sống.

Thông qua các biện pháp tăng gia sản xuất các nhóm cây, con ngắn hạn như trồng trọt rau màu ngắn ngày, chăn nuôi trong thời gian từ 2-3 tháng để có thể sớm thu hoạch nhằm tăng thu nhập, sinh kế cho người dân.

“Chúng ta cũng phải triển khai đánh giá lại toàn bộ tái cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Đối với những điểm sạt lở từ biển, núi, đồng bằng, các địa phương phải tính toán lại một cách tổng thể về quy hoạch, chiến lược phát triển để có biện pháp căn cơ, bảo đảm không chỉ thích ứng mà phải chủ động thích ứng một cách bền vững bằng các nhóm giải pháp.

Bộ NN&PTNT sẽ có đề xuất Chính phủ, Trung ương để có những chương trình tổng thể, dự án phù hợp bảo đảm được mục tiêu thích ứng với thiên tai một cách chủ động”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chấp nhận đề nghị cấp cho các tỉnh: Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỉ đồng.

Thủ tướng lưu ý tinh thần không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ, chuẩn bị thuốc dự phòng một số bệnh truyền nhiễm có thể phát sinh, hướng dẫn dân đảm bảo vệ sinh an toàn sau lũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.