Du lịch mạo hiểm trên đỉnh núi cao nhất dãy Trường Sơn Bắc

GD&TĐ - Nằm ở độ cao 2.720m so với mực nước biển, Pu Xai Lai Leng (ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn Bắc với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ.

Du khách tận hưởng khung cảnh hùng vĩ nhìn từ đỉnh Pu Xai Lai Leng.
Du khách tận hưởng khung cảnh hùng vĩ nhìn từ đỉnh Pu Xai Lai Leng.

Pu Xai Lai Leng là ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn Bắc, với độ cao 2.720m so với mực nước biển. Đỉnh núi nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Lào, nơi đây có cột mốc 422.

Dưới chân núi thuộc địa phận xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) với hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 80% dân số.

Theo người dân bản địa, Pu Xai Lai Leng có nghĩa là “lang thang đi đâu cũng thấy”, ý nói ngọn núi cao ở nơi đâu cũng có thể nhìn thấy. Đây còn là ngọn núi linh thiêng, huyền bí, nơi cư ngụ của nhà trời.

Đỉnh Pu Xai Lai Leng có cột mốc biên giới 422.
Đỉnh Pu Xai Lai Leng có cột mốc biên giới 422.

Đứng nhìn từ xa, Pu Xai Lai Leng hiện lên đồ sộ giữa màu xanh của những cánh rừng già, đỉnh núi ẩn hiện trong làn mây trắng tinh tạo nên một vẻ đẹp kỳ lạ.

Năm 2021, nhận thấy được tiềm năng du lịch của địa điểm này, Sở Du lịch Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chuyên gia du lịch mạo hiểm đã thực hiện khảo sát.

Qua khảo sát, Sở Du lịch nhận định, Pu Xai Lai Leng là điểm thử thách cho du khách ưa thích khám phá, mạo hiểm vì đường lên đỉnh núi còn rất hoang sơ. Trên hành trình chinh phục, du khách sẽ phải vượt qua vô số con dốc cheo leo, băng qua những cánh rừng rậm rạp, nhìn lên chỉ thấy le lói ánh mặt trời.

Để lên được đỉnh núi, du khách phải vượt qua sô số thử thách mạo hiểm.
Để lên được đỉnh núi, du khách phải vượt qua sô số thử thách mạo hiểm.

Khám phá Pu Xai Lai Leng không đơn thuần là leo lên một ngọn núi cao mà là một cuộc thám hiểm, thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ vĩ và hành trình thú vị tìm hiểu đời sống văn hóa của cư dân bản địa.

Hành trình lên đỉnh Pu Xai Lai Leng bắt đầu từ thành phố Vinh (Nghệ An), đi ô tô theo Quốc lộ 7 gần 270km theo hướng Tây để đến xã Na Ngoi. Từ xã Na Ngoi di chuyển bằng ô tô khoảng 15km tới trạm biên phòng. Hành trình thử thách bắt đầu từ đây, du khách sẽ đi bộ khoảng 20 km trong 4-5 giờ sẽ đến được cột mốc 422 nằm trên đỉnh núi.

Dừng chân trên đường lên "nóc nhà" Nghệ An.
Dừng chân trên đường lên "nóc nhà" Nghệ An.

Theo Sở Du lịch, để mở rộng hành trình, từ xã Na Ngoi du khách có thể đi đến suối nước nóng ở huyện Mường Khăm và cánh đồng Chum (ở thị xã Phôn Xa Vẳn, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Ngoài ra còn có điểm ngắm mây ở “cổng trời” Mường Lống (ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn); chèo thuyền bắt cá trên sông Nậm Nơn…

Cổng trời Mường Lống được ví như “Đà Lạt của Nghệ An” nhờ nhiệt độ quanh năm mát mẻ, không khí trong lành, vẻ đẹp lãng mạn khi nằm gọn trong lòng thung lũng của một dãy núi cao 1.500m.

Hiện nay, Nghệ An đã mở lại các tuyến bay nội địa từ Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Nha Trang, Phú Quốc để phục vụ du khách.

Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi, giải trí đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An, nhất là các món ẩm thực độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Xứ Nghệ.

Năm 2022, ngành du lịch Nghệ An phấn đấu đón và phục vụ 3,3 triệu lượt khách du lịch (tăng 91% so với năm ngoái), trong đó, có 3 triệu lượt khách lưu trú, 10 ngàn lượt khách quốc tế. Doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 169% so với năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...