Đề xuất tăng mức cho vay với học sinh, sinh viên

GD&TĐ - Bộ Tài chính đang đề xuất mức vay với học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng trình Chính phủ dự thảo điều chỉnh lương hưu đề xuất tăng 15%.

Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng cũng thuộc đối tượng được đề xuất tăng lương hưu. Ảnh minh họa
Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng cũng thuộc đối tượng được đề xuất tăng lương hưu. Ảnh minh họa

Đề xuất tăng mức cho vay với học sinh, sinh viên

Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 21/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV).

Theo đó, đề xuất nâng mức cho HSSV vay tối đa từ 2,5 triệu đồng tháng lên mức 4 triệu đồng/tháng. Theo Bộ Tài chính, đề xuất này căn cứ trên kiến nghị của Bộ G&DĐT và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cụ thể, theo nhận định của Bộ GD&ĐT, mức cho vay hiện nay là 2,5 triệu đồng/tháng mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV. Trong khi đó, mức chi phí học tập của một HSSV là khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng tính với mức học phí cao nhất.

Theo phân tích của Ngân hàng Chính sách xã hội, tại thời điểm ban hành Quyết định 157, mức cho vay tối đa 1 HSSV là 800.000 đồng/tháng, đáp ứng khoảng 66% tổng chi phí học tập của HSSV. Tại thời điểm năm 2019, mức cho vay 2,5 triệu đồng/HSSV/tháng đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập.

Còn hiện nay, mức cho vay hiện hành chỉ đáp ứng được 37% tổng chi phí học tập của HSSV do tình hình lạm phát, chi phí sinh hoạt gia tăng và mức học phí tại các cơ sở đào tạo trong thời gian tới dự kiến tiếp tục tăng.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Tài chính cho rằng: Mức vay vốn tối đa cần được điều chỉnh để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách Nhà nước.

Việc nâng mức vốn vay để hỗ trợ cho HSSV trang trải chi phí học tập, qua đó góp phần ổn định đời sống, tư tưởng cho hộ gia đình và HSSV, nâng cao trình độ dân trí là cần thiết. Do đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nâng mức cho vay tối đa lên mức 4 triệu đồng/tháng/HSSV (bằng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của HSSV).

Theo nhiều chuyên gia, chương trình cho vay vốn đã tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Điều này đảm bảo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Đồng thời hỗ trợ cho HSSV có nguồn chi phí trang trải cuộc sống, học tập, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, nhiều lao động không có việc làm.

Đề xuất tăng 15% lương hưu hàng tháng

Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, “Từ ngày 1/1/2022, tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021…”.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, “mức điều chỉnh 15% nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát.

Đồng thời, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm 2019, 2020 và năm 2021, do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH”.

Sau khi điều chỉnh tăng, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995 có mức lương thấp sẽ được tăng bù thêm để đạt mức 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mức tăng 15% thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH trong ba năm 2019, 2020 và năm 2021 khoảng gần 17%. Như vậy, phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ BHXH.

Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, thực hiện theo phương án này thì số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả ước là gần 1 triệu người. Dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là hơn 6 nghìn tỷ đồng.

Số đối tượng được điều chỉnh từ nguồn quỹ BHXH chi trả ước là hơn 2 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, 8 nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH là: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92, Nghị định số 34, Nghị định số 121, Nghị định số 09.

Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật, người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91, Quyết định số 613. Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu buộc phải thôi việc.

Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130 của Hội đồng Chính phủ bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã và Quyết định số 111-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.

Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142, Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ.

Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53 của Thủ tướng Chính phủ.

Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62.

Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy – cán bộ phường Liễu Giai (Ba Đình), việc tăng lương hưu sẽ bảo đảm an sinh xã hội đối với người hết tuổi lao động. Đồng thời, đây là động lực để thế hệ trẻ nỗ lực tham gia vào hoạt động công tác tại các đơn vị sự nghiệp. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh cũng chưa biết khi nào mới hết, vì vậy, những người già có được khoản lương hưu cao hơn sẽ không phải lo lắng về cuộc sống sinh hoạt hay gánh nặng cho con cháu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ