Nhiều học sinh có tâm lý nghỉ xả hơi sau đợt cao điểm kiểm tra học kỳ I, cũng có em muốn nghỉ Tết sớm. Các trường học đã có nhiều hình thức tổ chức hoạt động phù hợp để duy trì nhịp độ dạy - học.
Vừa học vừa ngóng Tết
Đào Thị Kim Ngân - học sinh Trường THPT Bình Sơn (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết: “Với học sinh lớp 12 thì học kỳ II là giai đoạn ôn thi nước rút. Nhưng ở thời điểm này, em khá đuối sức sau khoảng thời gian tập trung cho các bài kiểm tra cuối học kỳ I. Gần như bạn nào cũng muốn được “xả hơi” nhưng lại lo áp lực bài vở. Thêm vào đó không khí chộn rộn những ngày sát Tết nên chúng em hơi mất tập trung”.
Do vậy, Ngân xác định việc học cũng như đi cầu thang, có bước nghỉ nhưng chỉ được phép nghỉ ngắn. “Vì trong khi mình nghỉ thì những bạn có sức bền sẽ tiến lên phía trước nên mình dễ bị rơi lại đằng sau”, Ngân ví dụ.
Tâm lý chung là tuần học trước và sau Tết, sự tập trung của học sinh không cao. Một phần do các em vừa kết thúc học kỳ I, một phần do ảnh hưởng bởi không khí mua sắm, chuẩn bị Tết trong gia đình, nhiều em có họ hàng, anh chị em ruột làm ăn xa về quê đoàn tụ trong ngày Tết…
Chia sẻ thông tin, cô Lê Thị Kim Bông - Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Bình Sơn đồng thời đưa ra giải pháp: “Để không ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học, từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, chúng tôi chủ động điều tiết chương trình. Hai tuần học trước và sau Tết Nguyên đán sẽ “đi” những phần kiến thức nhẹ nhàng hơn. Nội dung khó hoặc quan trọng, hay rơi vào nội dung thi tốt nghiệp THPT thì “dời” lại cho thời điểm sau đó, khi học sinh đã “xốc” lại tinh thần học tập”.
Ngoài ra, theo cô Lê Thị Kim Bông, để việc dạy - học đảm bảo hiệu quả, giáo viên vẫn giao việc cho học sinh trước và sau tiết học nhưng số lượng bài tập ít hơn, mục tiêu cũng nhẹ nhàng hơn. Quan trọng là động viên, khích lệ tinh thần học tập, có kiểm tra nhiệm vụ mà các em được giao nhưng đồng thời trao thưởng, tuyên dương phù hợp như cộng điểm khuyến khích. Học sinh nào làm bài tốt thì ghi điểm vào cột điểm đánh giá thường xuyên.
Sáng 13/1, trong tiết sinh hoạt dưới cờ, thầy Đặng Ngọc Lam - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (Hải Châu, Đà Nẵng) đã chia sẻ với học sinh: “Hôm nay là buổi học đầu tiên của học kỳ II.
Các em có một tuần “nghỉ xả hơi” sau đợt kiểm tra học kỳ I vừa rồi để tập các tiết mục cho chương trình văn nghệ Mừng Đảng đón Xuân sắp tới. Điểm số của học kỳ II có tính chất quyết định cho việc xếp loại học sinh, một điểm 5 các em nhận được ở học kỳ này tương đương với 2 điểm 5 của học kỳ I nên phải cố gắng, nỗ lực cao trong học tập”.
Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cũng chia sẻ với học sinh toàn trường về những tâm tư của phụ huynh sau buổi gặp mặt cha mẹ học sinh các lớp vừa được tổ chức trước ngày học đầu tiên của học kỳ II. “Những em nào có kết quả chưa tốt trong học kỳ vừa rồi, muốn có kỳ nghỉ Tết vui tươi thì phải tập trung học ngay từ bây giờ, để cha mẹ không phiền lòng”, thầy Lam nhắn nhủ.
Hài hòa hoạt động trải nghiệm và dạy - học
Kết thúc học kỳ I, gần như các trường THPT ở Đà Nẵng đều dành một ngày để tổ chức Ngày hội văn hóa dân gian. Học sinh được thư giãn khi sống trong không khí hội hè thực sự với những trò chơi vận động tập thể như nhảy sạp, kéo co, nhảy dây, nhảy bao bố, đi tìm mật thư…
Ngày hội văn hóa dân gian đồng thời là cơ hội cho học sinh THPT trải nghiệm về hướng nghiệp. Bên cạnh tiếp cận các thông tin tuyển sinh từ một số gian hàng các trường đại học tham gia ngày hội, học sinh phải tính toán để chọn món ăn cho gian hàng ẩm thực của mình, thi thiết kế, trình diễn thời trang... Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, từ những trải nghiệm này, học sinh khám phá được năng lực bản thân, có định hướng để lựa chọn một số ngành nghề phù hợp trong tương lai.
Quận đoàn Liên Chiểu (Đà Nẵng) vừa phối hợp với Trường THPT Nguyễn Trãi tổ chức Hành trình Ươm mầm khoa học năm học 2024 - 2025. Đây là sân chơi thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong đoàn viên thanh niên khối trường học quận Liên Chiểu. Hành trình Ươm mầm khoa học có 2 trạm thi gồm online và offline, thu hút 7 đội tham gia dự thi đến từ 3 trường THPT và 2 trường cao đẳng trên địa bàn quận.
Mặc dù, Trường THPT Lý Sơn (Lý Sơn, Quảng Ngãi) gần như không có tình trạng học sinh nghỉ học trước và sau Tết để phụ giúp làm kinh tế với gia đình. “Tuy nhiên, tình trạng các em có tâm lý sao nhãng, không tập trung cho việc học tập là có.
Để tổ chức dạy - học hiệu quả, thường giáo viên chủ nhiệm cho các em thảo luận, nói chuyện về chủ đề Tết trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ. Trong đó, giáo viên lồng ghép để nhắc nhở học sinh phải đảm bảo an toàn thời điểm trước và sau Tết như không làm pháo tự chế, không đốt pháo, uống bia rượu…”, thầy Hiệu trưởng Huỳnh Văn Long thông tin.
Truyền thống của Trường THPT Lý Sơn là vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán có lễ chào cờ đặc biệt lúc 7 giờ sáng. Thầy cô, học sinh và cựu học sinh cùng tham gia hái lộc đầu năm tại sân trường hoặc hội trường ngay sau nghi lễ chào cờ. Đây cũng là dịp để học sinh, cựu học sinh chúc Tết, thăm hỏi, tri ân thầy, cô giáo.
Sau các tiết mục văn nghệ, sân khấu của Trường THPT Lý Sơn được “nhường” lại cho Đoàn Thanh niên tổ chức giao lưu giữa học sinh khối 12 và những cựu học sinh đang là sinh viên. Học sinh lớp 12 có thể hỏi anh chị khóa trước về bí quyết chọn ngành, trường… Theo thầy Long, sự chia sẻ này như hình thức để xốc lại tinh thần, mục tiêu học tập của các em, nhất là học sinh khối 11 và 12 trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề cho tương lai.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Vinh (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức Ngày hội thể thao, văn nghệ cho học sinh trong thời điểm vừa kết thúc học kỳ I.
“Học sinh được vui chơi hết mình nên sẽ duy trì được sự hưng phấn để khởi động những buổi học đầu tiên của học kỳ II. Ngoài ra, nhà trường còn chuẩn bị quà Tết gồm áo quần mới, bánh kẹo cho các em. Đây là sự khích lệ để học sinh tập trung học tập”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Điệp chia sẻ.