Đại thuỷ nông Nậm Rốm – Đưa nước về xứ “ Mường Trời”

GD&TĐ - Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2021) đã qua 67 năm, chiến trường trấn động địa cầu năm xưa không chỉ in đậm trong ký ức lịch sử, Điện Biên giờ còn được biết đến bởi loại gạo thơm ngon nức tiếng.

Đại thuỷ nông Nậm Rốm uốn lượn chảy dọc cung cấp nước cho cánh đồng Mường Thanh trù phú.
Đại thuỷ nông Nậm Rốm uốn lượn chảy dọc cung cấp nước cho cánh đồng Mường Thanh trù phú.

Điện Biên giờ đây được biết đến bởi loại gạo có chất lượng thơm ngon nức tiếng như người ta thường nói “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tức Tấc”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh vốn chỉ canh tác 1 vụ/năm. Từ khi có công trình Đại thủy nông Nậm Rốm cung cấp nước cho lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh giờ đã nâng diện tích gieo cấy lên nhiều lần, có thể thâm canh 3 vụ/năm với hạt gạo Điện Biên khẳng định thương hiệu trên khắp mọi miền đất nước.

Đại thủy nông Nậm Rốm làm thay đổi cuộc sống của người dân

Sông Nậm Rốm dài chừng 35km bắt nguồn từ phía bắc lòng chảo Điện Biên, qua thành phố Điện Biên Phủ, đến huyện Điện Biên rồi chảy sang Lào, hòa vào dòng sông Mekong.

Trong tiếng Thái, “Nậm” nghĩa là nước hoặc sông, suối, “Rốm” nghĩa là cây Lát, “Nậm Rốm” tức là dòng sông bắt nguồn từ rừng gỗ Lát.

Con sông Nậm Rốm xưa là đường giao thương hàng hóa giữa Tây Bắc Việt Nam với một số tỉnh Bắc Lào. Gạo của Mường Thanh, hàng thổ cẩm của người Thái được chở bằng thuyền theo con nước về bán tại kinh đô Luông Pra Băng (Nước CHDCND Lào). Các sản vật của Lào như muối mỏ, hàng thủ công, cam Nậm Bạc cũng được chở bằng thuyền về bán tại chợ Mường Thanh.

Sông Nậm Rốm cũng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cánh đồng Mường Thanh – cánh đồng lớn nhất Tây Bắc với diện tích hơn 140 km2. So với cánh đồng Mường Lò – Yên Bái, cánh đồng Mường Than - Lai Châu, cánh đồng Mường Tấc – Sơn La, cánh đồng Mường Thanh – Điện Biên là rộng lớn nhất. Cánh đồng Mường Thanh nằm trên độ cao hơn 400m so với mặt nước biển, trải dài hơn 20 km với chiều rộng trung bình 6 km.

Mỗi năm, cánh đồng Mường Thanh cung cấp đến 80% sản lượng lúa của huyện Điện Biên, chiếm tới 53% sản lượng lúa của toàn tỉnh Điện Biên. Không chỉ có vậy, từ đây, nhiều giống lúa cho sản phẩm có chất lượng thơm, ngon, trắng ngần đã được trồng cấy, bảo tồn và phát triển, làm lên thương hiệu gạo Điên Biên nổi tiếng toàn quốc.

Nông dân vùng lòng chảo Điện Biên thu hoạch lúa bằng máy gặt, đập liên hoàn. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Nông dân vùng lòng chảo Điện Biên thu hoạch lúa bằng máy gặt, đập liên hoàn. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ 

Có được một “vựa lúa” của Tây Bắc như vậy là nhờ công trình Đại thủy nông Nậm Rốm án ngữ vị trí yết hầu của dòng Nậm Rốm, nằm ngay cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ. Công trình đầu mối có đập dâng nước xây bằng đá bọc bê tông, có chiều cao đập lớn nhất 9m, chiều dài đập 60m như một bước tường thành vững chãi chặn dòng, dâng nước và đưa nước vào hệ thống kênh. Hệ thống kênh tả - hữu chạy dài, uốn cong, vượt qua bao cầu cạn, mương máng ôm sát sườn núi như hai con rồng khổng lồ đưa nước đến khắp cánh đồng Mường Thanh.

Đại thủy nông Nậm Rốm đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống kinh tế của người dân cộng đồng dân tộc sinh sống trong lòng chảo Điện Biên. Trước khi có công trình, nguồn nước tưới cung cấp cho cả cánh đồng Mường Thanh chỉ nhờ vào nước trời với diện tích gieo cấy được khoảng 1 nghìn ha lúa mùa. Từ khi có công trình, nước từ sông Nậm Rốm đã nuôi dưỡng cả cánh đồng Mường Thanh mở rộng đến gần 6 nghìn ha, năng suất lúa tăng từ 20 tạ/ha lên trên hơn 60 tạ/ha.

Quan trọng hơn, lực lượng thanh niên xung phong từ các tỉnh đồng bằng phía Bắc, theo lời hiệu triệu của chính phủ, lên Điện Biên, tham gia tích cực vào việc xây dựng công trình thủy nông Nậm Rốm rồi ở lại định cư, cùng với người dân bản địa, đã thay đổi tập quán canh tác từ cách phá rừng làm lúa nương đến việc canh tác lúa nước, nâng  sản lượng nông nghiệp lên gấp nhiều lần.

Ông Vừ A Bằng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ về lịch sử của hạt gạo Điện Biên. Ông Bằng cho biết: Vào thời điểm những năm 1960-1970, những người Thái Bình lên khai hoang, mang theo văn hóa lúa nước, văn hóa của người Kinh với những kỹ thuật canh tác tốt nhất thời bấy giờ lên đây. Do đó đồng ruộng của người Thái Bình khác với đồng ruộng của người Thái. Nhưng giờ đây người Đồng bằng sông Hồng lên và hòa quyện với văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, Mông ở đây, trở thành các nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên vùng đất này.

Đại thủy nông Nậm Rốm: Công trình ghi dấu ấn lịch sử quan trọng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đến cuối năm 1962, Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm trên con sông Nậm Rốm.

Ngày 3/10/1963, công trường Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức khởi công xây dựng.

Khi đó Điện Biên đang còn là một huyện thuộc tỉnh Lai Châu. Ngoài đồng bào bản địa, lực lượng xây dựng Điện Biên “biến chiến trường thành nông trường” hầu hết là bộ đội tham gia giải phóng Điện Biên rồi ở lại.

Theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn thanh niên, hơn 2000 cán bộ, đội viên gồm hơn 800 thanh niên Tháng 8 Thủ đô và thanh niên nhiều tỉnh miền xuôi như Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa… đã tự nguyện viết đơn gia nhập lực lượng thanh niên xung phong lên Điên Biên tham gia công trình. Đa số họ là người trẻ, trong đó có rất nhiều người vẫn còn đeo khăn quàng đỏ, chưa học hết phổ thông.

Công trình thi công bằng sức người là chính. Trong suốt 7 năm, đội xây dựng đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, ăn không đủ no, nước không đủ uống, phải ăn ngô thay cơm triền miên. Thêm vào đó là sự khắc nghiệt của khí hậu, địa hình bản địa, bệnh sốt rét, đau ốm, bệnh tật ..

Tuy vậy, công trường vẫn ngày đêm hoạt động không ngừng. Máy móc, thiết bị thô sơ, sức người làm chính. Lực lượng tham gia công trình thực hiện khẩu hiệu ba bù (bù mưa, bù ốm, bù phòng không) để tăng ca, đẩy giờ làm việc lên đến 10-12 giờ/ngày.

“Riêng công đoạn ngăn dòng để thi công nền móng của đập rất khó khăn bởi vì lúc bấy giờ thi công hoàn toàn thủ công. Đắp đất thủ công, đắp đê quai xanh thủ công, tất cả các công đoạn đều thủ công hết. Do đó, chặn lại cả một con sông để tạo ra khoảng trống xây dựng móng của đập dâng nước là một việc cực kỳ khó khăn. Lúc bấy giờ, tập trung toàn bộ lực lượng cán bộ kỹ thuật và lực lượng thanh niên xung phong phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn làm việc 24/24 thi công không lúc nào ngừng. Để làm đập chính, thời điểm đông nhất có tới trên 500 thanh niên xung phong. Sau gần 3 năm mới xong đập chính.” – Ông Trần Công Chính, chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên hồi tưởng lại.

Những năm tháng này cũng là giai đoạn quân đội Mỹ leo thang, đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Ban ngày, doanh trại phải sơ tán vào rừng tránh máy bay địch, ban đêm lại ra công trường đào đắp, đổ bê tông. Không ít lần không quân Mỹ ném bom rải thảm nhằm hủy diệt công trình. Đã có 18 cán bộ, công nhân đã hy sinh.

“Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ nhưng thật tự hào đó. Người đầu tiên ngã xuống trên công trường đại thủy nông Nậm Rốm là chị Phạm Thị Ngọ - người con gái quê gốc Hà Nội. Chị Ngọ hy sinh vào một ngày cuối tháng 12/1963 khi cùng thanh niên trong tổ, khoan đá nổ mìn thi công đập chính công trình. Quả đồi nơi chị được an táng được những thanh niên xung phong ngày ấy đặt tên là đồi cô Ngọ. Ký ức về những năm tháng đã hoàn thành nhiệm vụ của người thanh niên xung phong phục vụ, chiến đấu và xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm là động lực để chúng tôi tiếp tục sống và làm những gì tốt đẹp hơn cho xã hội, gia đình và người thân…” – Ông Trần Công Chính nhớ lại.

Với ý chí nghị lực phi thường và bao công sức, hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong, công trình thủy lợi có quy mô lớn thứ hai miền Bắc ở thời kỳ đó đã hoàn thành. Ngày 22/2/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1963-1969) cho Tổng Đội thanh niên xung phong công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm được UBND tỉnh Điện Biên công nhận xếp hạng di sản lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Điện Biên, đến nay không chỉ sản xuất đủ lương thực cung cấp cho tỉnh mà còn xuất đi các tỉnh, thành trong nước. Thành quả ấy có sự nỗ lực của người dân và quan trọng hơn là nhờ có công trình đại thủy nông Nậm Rốm điều tiết nước cho cánh đồng Mường Thanh. Chủ động được nguồn nước đồng nghĩa với việc người dân chủ động được mùa vụ trong năm, cải thiện rất nhiều chất lượng cuộc sống. Diện tích ruộng được khai hoang tăng lên không ngừng.

Không chỉ có thế, công trình còn phục vụ thủy điện, nước sinh hoạt cho nhân dân, và nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng hơn 200 tấn/năm.

Niềm vui trên gương mặt của những người nông dân Điện Biên. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Niềm vui trên gương mặt của những người nông dân Điện Biên. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ 

Hơn 5 thập kỷ trôi qua, ngày nay, Đại thủy nông Nậm Rốm đã không ít lần được cải tạo, bê tông hóa và hoàn thiện hệ thống kênh đào. Công trình cũng đã được quản lý tốt hơn, có sự điều tiết nước tưới tiêu hợp lý, đảm bảo nước cho cả cánh đồng Mường Thanh rộng lớn.

Sau 1954, chiến trường Điện Biên Phủ hoang tàn với biết bao xe tăng, bom, mìn, đạn còn vương vãi... Dân cư thưa thớt, nông nghiệp khi đó chỉ là canh tác manh mún, làm nương 1 vụ nên đời sống người dân cực kỳ khó khăn, thiếu thốn… Nhờ có công trình Đại thủy nông Nậm Rốm mà Điện Biên có những làng của cựu thanh niên xung phong mang tên “làng Thái Bình, “làng Hưng Yên”… Lúa trồng ở Mường Thanh cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, tạo nên thương hiệu Điện Biên.

Điều tạo nên chất lượng cho hạt gạo Điện Biên là cánh đồng Mường Thanh nơi hội tụ những yếu tố tự nhiên với con người chăm chỉ một nắng hai sương cùng với hệ thống kênh của Đại công trình thuỷ nông Nậm Rốm đã gìn giữ và phát huy truyền thống của mảnh đất lịch sử này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ