Kinh tế Đà Nẵng gần như “đóng băng” trong quý III năm 2021

GD&TĐ - Nền kinh tế TP Đà Nẵng gần như "đóng băng" trong quý III năm 2021 do phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên hầu khắp các xã, phường. Tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu -10,17%.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Ngày 30/12, Cục thống kê TP Đà Nẵng đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội Đà Nẵng trong năm 2021.

Ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục thống kê TP Đà Nẵng cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước tăng 0,18% so với năm 2020. Nhìn chung, mức độ phục hồi kinh tế của Đà Nẵng còn rất chậm do phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 từ tháng 5/2021, với các biến chủng có nguy cơ lây lan nhanh, quy mô và tính phức hợp cao hơn 2 đợt dịch trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố có dấu hiệu phục hồi khá tốt, đã thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020, với mức tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 0,945 so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, làn sóng dịch lần thứ 4 quay lại Việt Nam và TP Đà Nẵng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kinh tế 6 tháng cuối năm giảm 4,4% so với cùng kỳ.

“Đặc biệt, nền kinh tế TP Đà Nẵng gần như đóng băng trong quý III năm 2021 do phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ trên hầu khắp các xã, phường. Tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu -10,17%”, ông Vũ thông tin.

Với tốc độ tăng 0,18% năm 2021, Đà Nẵng là một trong số 54 địa phương trên cả nước có mức tăng trưởng dương, xét trong 5 tỉnh thành phố thuộc kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vùng.

Ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục thống kê TP Đà Nẵng chủ trì buổi họp báo.
Ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục thống kê TP Đà Nẵng chủ trì buổi họp báo.

GRDP bình quân đầu người tính theo giá trị hiện hành năm 2021 ước đạt 87,87 triệu đồng, tương đương 3.753 USD. Tính theo giá so sánh 2010, GRDP bình quân đầu người năm 2021 giảm 2% so với 2020. Tốc độ phát triển dân số trung bình cao hơn tốc độ tăng GRDP, vì vậy năm 2021 là năm thứ hai từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, GRDP bình quân đầu người của Đà Nẵng có xu hướng giảm.

Ở lĩnh vực xuất, nhập khẩu, do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu đơn hàng tồn trong năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn năm 2021 liên tục duy trì đà tăng trưởng cao.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn năm 2021 ước đạt 3.183 triệu USD, tăng 13,2% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.835 triệu USD, tăng 16,9%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.348 triệu USD, tăng 8,5%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 487 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu/GRDP năm 2021 ước đạt 40,9%, tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu/GRDP ước đạt 30,1%. Độ mở nền kinh tế Đà Nẵng năm 2021 là 70,9%.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 không đạt như kỳ vọng, tình trạng bội thu ngân sách vẫn chưa chấm dứt. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/12/2021 đạt 20.070 tỷ đồng, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tổng thu nội địa đạt 15.742 tỷ đồng, bằng 83,7% so với năm trước…

Nền kinh tế TP Đà Nẵng gần như đóng băng trong quý III năm 2021 do phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ trên hầu khắp các xã, phường.
Nền kinh tế TP Đà Nẵng gần như đóng băng trong quý III năm 2021 do phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ trên hầu khắp các xã, phường. 

Cũng theo vị đại diện Cục thống kê Đà Nẵng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, nhiều lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ giãn việc, tỷ lệ thất nghiệp tại Đà Nẵng tiếp tục ở mức cao. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2021 sơ bộ là 8,76%, thấp hơn tỷ lệ 9,41% của năm 2020, song còn rất cao so với nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Cục Thống kê Đà Nẵng cũng đề ra một số giải pháp đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong năm 2022. Trong đó thực hiện quyết liệt một số giải pháp. Cụ thể, tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch. Phục hồi tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19… Về du lịch, cần xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch, lên phương án đón khách quốc tế, tổ chức đón khách du lịch nội địa trong tình hình bình thường mới theo lệ trình từng giai đoạn…

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong nước. Tích cực chủ động thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư với hình thức phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên cơ sở tận dụng tối đa công nghệ thông tin…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ