Để phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế thành phố trong năm 2022, Đà Nẵng đưa ra các kịch bản để phục hồi các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Tháo gỡ vướng mắc giúp khơi thông nguồn lực
Tại kỳ họp cuối năm 2021 của HĐND TP Đà Nẵng, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - cho hay, năm 2021, thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
“Đồng thời, đại dịch cũng tác động tiêu cực đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021, nguồn lực phục vụ cho phát triển bị giảm sút mạnh. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tại của thành phố đến nay dù có nhiều nỗ lực nhưng chưa được khắc phục triệt để do vượt thẩm quyền thành phố, điển hình là những vướng mắc trong triển khai các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
Cơ cấu kinh tế thành phố bộc lộ điểm chưa hợp lý qua đại dịch, quy mô doanh nghiệp nhỏ, dễ bị tổn thương, chất lượng của công tác đầu tư công, vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng, một số điểm nóng môi trường, trật tự đô thị chưa được xử lý dứt điểm cũng là những điểm nghẽn cho sự phát triển”, ông Triết nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, thành phố đã thống nhất chọn chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố”.
Còn ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho hay, để phục hồi nền kinh tế, đề nghị HĐND thành phố, các vị đại biểu tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp sát hợp với thực tế, khả thi để triển khai thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, HĐND thành phố trao đổi, thảo luận kỹ, chỉ ra những tồn tại, bất cập, để từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố năm 2022 với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, khắc phục các hạn chế, đồng thời quyết liệt triển khai giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, đây là giải pháp quan trọng để sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
“Đặc biệt, HĐND thành phố cần tập trung đề xuất và quyết định các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý đất đai của các dự án tồn đọng, kéo dài, giúp khơi thông nguồn lực, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách và quan trọng hơn chính là khắc phục tình trạng gây lãng phí nguồn lực cho Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư chân chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tạo những động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố”, ông Quảng nhấn mạnh.
3 kịch bản “hồi phục” kinh tế thành phố
Với chủ đề như trên, UBND TP Đà Nẵng cho rằng, tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, vừa đẩy mạnh khôi phục, tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng - cho biết, bên cạnh những khó khăn, thách thức, thành phố có nhiều thuận lợi cơ bản để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo đó, UBND thành phố đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng năm 2022 gồm: Kịch bản tăng trưởng thấp, trung bình và tăng trưởng cao.
Đối với kịch bản tăng trưởng thấp, ông Minh cho rằng, nếu dịch bệnh được khống chế, song vẫn còn diễn biến phức tạp, phục hồi kinh tế của quốc tế và cả nước còn chậm, một số chuỗi cung ứng còn hạn chế, khách du lịch nội địa đến thành phố trở lại nhưng chưa được như kỳ vọng, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,9% so với năm 2021, trong đó các lĩnh vực nông lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,8%, 5,4% và 3,8%.
“Về kịch bản tăng trưởng trung bình, nếu trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, kinh tế quốc tế và cả nước vẫn đang trong quá trình phục hồi, một số ngành dịch vụ bắt đầu phát triển ổn định, lượng khách du lịch có xu hướng tăng, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 6,2% so với năm 2021, các lĩnh vực nông lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%, 6,8% và 5,4%”, ông Minh cho hay.
Trong đó, 6 tháng đầu năm là giai đoạn phục hồi của các lĩnh vực: Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ dự kiến tăng lần lượt 5,7% và 4,8% và sẽ tăng mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm dự kiến tăng lần lượt 8% và 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với kịch bản tăng trưởng cao, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, kinh tế quốc tế và cả nước phát triển trở lại bình thường, một số ngành dịch vụ phát triển mạnh, lượng khách du lịch có xu hướng tăng cao, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,11% so với năm 2021, các lĩnh vực nông lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3%, 10% và 6,8%.
“Trong đó, 6 tháng đầu năm là giai đoạn phục hồi của các lĩnh vực: Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ dự kiến tăng lần lượt 8% và 6% và sẽ tăng mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm dự kiến tăng lần lượt 12% và 7,5% so với cùng kỳ năm 2021”, ông Minh nói.
Qua đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố, vị lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng khẳng định, với mục tiêu đến cuối năm 2021 đạt tỷ lệ 95% người trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin, kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1, khả năng thành phố sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản trung bình.
“Còn trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại, các ngành kinh tế trọng điểm chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của thành phố sẽ được phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương năm 2019, thì khả năng thành phố sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản cao”, ông Minh nhấn mạnh.