Kinh nghiệm 'vàng' cho cha mẹ có con vào lớp 1

GD&TĐ - Trẻ vào lớp 1 được chuẩn bị tâm thế kỹ càng bao nhiêu thì sự tự tin, mạnh dạn, khả năng thích nghi và đặc biệt việc học tập càng hiệu quả bấy nhiêu trong suốt năm học và ở những lớp học sau này. Điều đó, đòi hỏi cha mẹ hiểu biết và đồng hành đúng cách.

Ngày đầu tiên tựu trường của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh An (Yên Khánh, Ninh Bình). Ảnh: NTCC
Ngày đầu tiên tựu trường của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh An (Yên Khánh, Ninh Bình). Ảnh: NTCC

Loại bỏ quan điểm “lệch chuẩn”

Vào lớp 1 được xem như “cánh cửa”, bước ngoặt quan trọng trong đời người. Các em chuyển từ hoạt động vui chơi là chính sang học tập là chủ đạo bậc tiểu học. Với sự thay đổi gần như hoàn toàn này, trẻ cần được hỗ trợ để tự tin, mau chóng thích nghi khi tới trường học tập.

Nhiều năm tham gia công tác quản lý, cô Lại Ánh Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh An (Yên Khánh, Ninh Bình) nhận thấy, hiện đang có 2 luồng quan điểm của các bố mẹ có con chuẩn bị học lớp 1.

Luồng thứ nhất cho rằng không cần chuẩn bị gì, để trẻ phát triển tự nhiên. Điều này dẫn tới trẻ bị hẫng hụt tâm lý vì học lớp 1 hoàn toàn khác mẫu giáo. Ở trường mẫu giáo “cô là mẹ và các cháu là con”, trẻ có thể đi muộn giờ so với quy định vẫn vào lớp, khóc cô dỗ dành.

Nhưng vào lớp 1, trẻ phải đến lớp đúng giờ, thầy cô yêu thương đến mấy cũng không có thời gian quan tâm từng em bởi phải hỗ trợ tất cả học sinh trong lớp học tập, điều khiển lớp học theo tiến độ dạy học của lớp mình và lớp khác; phải bao quát, đánh giá, nhận xét trẻ trong quá trình dạy học.

Nói cách khác, việc chấp hành nội quy, quy định nhà trường, thiết lập quan hệ với giáo viên, bạn bè, hoàn thành các bài tập khi đến lớp... vẫn là những khó khăn cơ bản của trẻ khi vào lớp 1 nên không thể không chuẩn bị tâm lý cho các em trước khi đến trường.

Ở chiều ngược lại, một số phụ huynh cho rằng, chuẩn bị cho trẻ đến trường là cho trẻ đọc thông viết thạo trước khi học lớp 1. Song thực tế cho thấy đây là quan niệm thiếu khoa học. Trẻ đọc thông, viết thạo là nhiệm vụ của giáo viên lớp 1 trong 35 tuần học của năm học. Khi biết đọc, viết trước vô hình trung sẽ dẫn tới sự chủ quan của trẻ trong học tập nên dễ vi phạm nội quy lớp học. Các em cũng không còn sự hứng thú học tập, chỉ muốn chứng tỏ với thầy cô, bạn bè cùng lớp mình đã biết đọc viết, dễ mất tập trung trong giờ học.

“Cha mẹ cần loại bỏ tư duy cho trẻ lớp 1 học trước chương trình, giúp trẻ giảm áp lực học tập mà góp phần giảm tải trong thực hiện chương trình. Thực tế, sửa một thói quen đã hình thành khó hơn dạy mới rất nhiều...”, ông Hải khẳng định.

Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) cũng chỉ ra, chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết. Như vậy các kiến thức cơ bản sẽ được hoàn thành tại lớp. Cha mẹ không phải lo lắng con học chưa đủ và bắt con học trước, học thêm trong năm học.

Đó là chưa nói tới việc học trước không phù hợp khi các ngón tay trẻ chưa đạt đến độ cứng, vững nhất định mà phải viết sớm thì vào lớp 1 trẻ sẽ sợ viết và có thể cầm bút không đúng cách dẫn tới viết chậm, xấu.

Đón học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh An (Yên Khánh, Ninh Bình). Ảnh: NTCC

Đón học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh An (Yên Khánh, Ninh Bình). Ảnh: NTCC

Chuẩn bị đúng cách, phù hợp

Cần chuẩn bị cho trẻ đi học lớp 1 những gì để đảm bảo phù hợp, đúng cách vẫn là ẩn số không phải bố mẹ nào cũng biết và hiểu đúng.

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) nhấn mạnh, trước tiên cần làm cho trẻ lớp 1 thích đến trường, thích đi học. Muốn vậy, phụ huynh cần kích thích sự hiểu biết, lòng ham thích đi học của con. Ví như, dẫn trẻ tham quan trường tiểu học sẽ học, kể những câu chuyện thú vị về việc học tập để khơi dậy sự tò mò và mong muốn đi học.

TS Vũ Việt Anh tuyệt đối lưu ý, bố mẹ không mang thầy cô giáo, trường lớp để dọa trẻ kiểu như: “Con tới trường không ngoan, không học tốt, viết xấu, bẩn… cô giáo sẽ phạt, chép lại bài, đánh vào tay…”. Thay vào đó hãy rèn cho các em thói quen gọn gàng, ngăn nắp, cách để không làm bẩn sách vở; để đồ dùng học tập đúng vị trí. Cùng trẻ trang trí góc học tập gọn gàng, sạch sẽ tại nhà; cho trẻ quyền chọn mẫu mã, màu sắc bàn ghế, tủ kê trong góc học tập theo sở thích để tạo cảm hứng học tập và trách nhiệm, ý thức gìn giữ…

Lớp 1 và bậc tiểu học được xem như nền tảng trong giáo dục phổ thông. Thành công trong học tập bậc tiểu học mang tới cơ hội lớn cho trẻ thành công ở bậc học tiếp theo. Chia sẻ điều trên, cô Lại Ánh Hường thông tin: Cha mẹ chú ý phát triển ngôn ngữ cho trẻ đảm bảo 2 yêu cầu là diễn đạt cho người khác hiểu và hiểu được người khác nói về những chủ đề gần gũi với cuộc sống. Việc này có thể thông qua nói chuyện, đọc truyện cho trẻ nghe.

“Trẻ 3 - 6 tuổi có khả năng “đọc chữ theo tranh”. Thực tế cũng cho thấy những trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt sẽ học lớp 1 thuận lợi hơn trẻ khác...”, cô Hường khẳng định.

Cô Nguyễn Hồng Hạnh, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) với kinh nghiệm hàng chục năm dạy lớp 1 cũng lưu ý: Trẻ ngày nay thông minh, năng động, độc lập hơn nhiều so trước đây bởi được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt song nhiều em khi học lớp 1 không phát huy được thế mạnh, học tập chưa hiệu quả bởi khả năng tập trung hạn chế. Do đó, bố mẹ cần rèn cho trẻ sự tập trung. Có thể tham khảo cách thức, phương pháp qua sách báo.

Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 cần kiên trì, nhẫn nại. Tuyệt đối không nên lấy ý muốn chủ quan của bố mẹ để áp đặt. Kỳ vọng quá lớn vào kết quả học tập, nhất là chỉ quan tâm đến điểm số cũng là một áp lực lớn khiến trẻ sợ, chán học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ