Đặc biệt đối với nhóm trẻ 5 tuổi, các em cần có sự chuẩn bị kỹ để sẵn sàng bước vào học lớp 1 với tâm thế tốt nhất. Chủ động khắc phục khó khăn, cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng chung tay để trẻ có tâm thế tốt nhất vào lớp 1 theo Chương trình GDPT mới.
Khởi đầu quan trọng
NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, thành viên tiểu ban GDMN, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải trang bị đủ kiến thức và tâm lý cho trẻ 5 tuổi bước vào lớp 1. Ông cho biết: Lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới đối với trẻ. Do đó, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp 1 cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi khi có tâm thế tốt, trẻ sẽ tự tin, mạnh dạn và học tập tốt ở các bậc học tiếp theo.
Nhấn mạnh cần có sự chuyển đổi hoạt động chủ đạo của trẻ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Vũ Đức Thọ cho rằng: Trong bất cứ hoàn cảnh nào trẻ phải được trang bị đủ kiến thức và sẵn sàng tâm lý tốt nhất để bước vào lớp 1.
“Chúng tôi yêu cầu các cơ sở GDMN phải chủ động sáng tạo trong các hoạt động, bảo đảm trẻ được vui chơi “học bằng chơi, chơi mà học”, trẻ hoạt động thoải mái, không bắt buộc, gò bó. Ở nhóm 5 tuổi, chúng tôi lồng ghép các nội dung để trẻ làm quen với lớp 1 (từ hoạt động vui chơi hình thành ở trẻ những kỹ năng, phẩm chất theo đặc trưng lứa tuổi), và không bỡ ngỡ khi bước vào môi trường giáo dục mới”, ông Vũ Đức Thọ trao đổi.
Từ thực tế quản lý trường mầm non, TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương chia sẻ: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng không vì thế mà bỏ đi các yêu cầu tối thiểu để trẻ tự tin vào lớp 1. Các nhà trường cần có sự sáng tạo trong hoạt động kết nối giáo dục trẻ, giữa phụ huynh với giáo viên. Như ở các trường mầm non thực hành trực thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, trẻ được nuôi dạy có đủ kiến thức không chỉ ở trường mầm non mà khi ở nhà trẻ cũng phải được chăm sóc chu đáo. Đặc biệt với trẻ 5 tuổi, quan hệ giáo viên với trẻ mang nhiều tính chất mẹ - con. Nhưng bước vào học lớp 1 là quan hệ thầy – trò với các yêu cầu và quy tắc sinh hoạt của nhà trường nên việc này càng phải quan tâm.
Nhà trường, phụ huynh làm gì?
Bà Vi Bích Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long (Quảng Ninh) đưa ra quan điểm: Nguyên tắc đầu tiên chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1 là tâm thế và niềm tin. Đối với trẻ 5 tuổi ở trường mầm non là lớp lớn nhưng ở trường tiểu học là lớp bé nhất nên cần chuẩn bị về mặt tâm lý tốt nhất, tuyệt đối không để trẻ có cảm giác chán học, sợ đi học.
“Chúng tôi chỉ đạo các nhà trường không dạy trước chương trình lớp 1 khiến trẻ mệt mỏi, mất hứng thú học tập, đồng thời dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, chểnh mảng khi vào học. Các nhà trường phải bảo đảm yêu cầu về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và một số năng lực chuyên biệt để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 một cách thoải mái nhất”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Thực hiện tốt chương trình GDMN, lấy trẻ làm trung tâm trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, Trường MN Hải Tân (huyện Hải Hậu, Nam Định) đã nỗ lực lớn để khắc phục những khó khăn do Covid-19 mang lại. Cô Hiệu trưởng Chu Thị Dung cho hay: Đa dạng cách làm, phối hợp với phụ huynh, giáo viên đẩy mạnh dạy học trên lớp học và tư vấn nuôi dạy con tại gia đình, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những ngày trẻ đến trường, giáo viên tạo nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, hứng thú, chủ động, sáng tạo, các khả năng suy luận, quan sát, nhận xét, biểu đạt; phát huy tính chủ động và sáng tạo của trẻ. Trẻ được trải nghiệm, khám phá và sáng tạo cá nhân, đặc biệt thông qua hoạt động chơi đã cho thấy tác động hiệu quả khi bước vào lớp 1.
Phối hợp giữa nhà trường và gia đình đã giúp giải quyết những hạn chế trong mùa dịch bệnh là khẳng định của cô Nguyễn Thị Bích Lê - Phó Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm, Đại học Vinh. Theo cô Lê, nhà trường và giáo viên giúp cha mẹ hiểu đúng việc chuẩn bị cho trẻ những điều kiện về thể chất, tâm thế và các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đi học lớp 1: Cần chuẩn bị cho trẻ thích ứng với cuộc sống ở trường tiểu học, làm quen với cách thức sinh hoạt mới, hành vi văn hóa; giúp trẻ thích ứng với hoạt động học tập và hiểu về môi trường xung quanh thông qua hiểu biết về xã hội và thế giới tự nhiên.