Kinh nghiệm từ nước Đức trong mô hình đào tạo nông nghiệp

GD&TĐ - Đào tạo nghề nông nghiệp song hành gắn với hợp tác xã (HTX) của nước Đức vốn được xem là một mô hình hiệu quả. Liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đây là hình mẫu đào tạo mà Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều.

Người lao động có việc làm và thu nhập ngay trong quá trình đào tạo tại HTX
Người lao động có việc làm và thu nhập ngay trong quá trình đào tạo tại HTX

Định hướng đào tạo “kép”

Theo Liên đoàn HTX Raiffeisen CHLB Đức (DGRV), đào tạo nghề nông nghiệp tại Đức bao trùm các lĩnh vực chế biến và khu vực kinh tế hợp tác xã (HTX). Mô hình đào tạo “kép” được tổ chức tại hai địa điểm học, với 30% thời gian học tại trường nghề, chính quyền các tiểu bang cấp ngân sách cho các trường công lập.

Các trường nghề tổ chức những giờ học miễn phí trong các môn có liên quan đến chuyên ngành và các môn cơ sở. 70% thời gian học tại cơ sở đào tạo là doanh nghiệp, học viên sẽ được trả mức lương của người học việc. Đây đồng thời là nơi cung cấp đào tạo thực hành trong môi trường làm việc thực tế. Giảng viên đào tạo đến từ cơ sở, cùng trang thiết bị sản xuất hiện đại,…

Thông qua hỗ trợ và định hướng hệ thống đào tạo kép, và khuôn khổ pháp lý để điều tiết đào tạo nghề song hành cho mọi đối tượng mà không phụ thuộc vào bằng cấp trước đó. Tất cả thanh, thiếu niên đều có cơ hội được đào tạo phổ thông và đào tạo nâng cao để phát huy vai trò công dân, sẵn sàng cho thị trường lao động hiện tại, và họ có thể tìm được công việc trong tương lai.

Đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, người học sẽ được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực sản xuất và thị trường, chăn nuôi và sinh sản, thú y, quản lý trang trại. Các nghề cụ thể rất đa dạng như: công nhân kỹ thuật cao trong công nghệ thực phẩm, sản xuất kem, bếp ăn, thợ làm bánh, chế biến sữa, chế biến lương thực,…

Đào tạo để trở thành xã viên HTX

Hợp tác xã tại Đức được nhìn nhận như một loại hình doanh nghiệp, vì vậy họ có thể là cơ sở đào tạo trong đào tạo nghề song hành. HTX sẽ đăng tuyển các vị trí đào tạo mà mình có thể cung cấp dựa theo nhu cầu. Chẳng hạn, một số nghề trong HTX nông nghiệp như: Quản trị mua bán trong chuỗi bán buôn hoặc bán lẻ, Kế toán, Thủ kho, Sản xuất, Trợ lý trong chuỗi vận tải,…

Thông qua đào tạo nghề, người nông dân còn có thể tự thành lập tổ hợp tác
 Thông qua đào tạo nghề, người nông dân còn có thể tự thành lập tổ hợp tác

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Phó Giám đốc Liên đoàn HTX Raiffeisen CHLB Đức (DGRV) cho biết: Những người được đào tạo nghề tại HTX có thể chuyển sang chuyển sang làm cho các doanh nghiệp khác có cùng lĩnh vực. Tuy nhiên đa số các học viên thường sẽ gắn bó vì họ thích tinh thần quản trị dân chủ của HTX.

Trong nhiều trường hợp, những người làm việc tại HTX được tạo điều kiện để trở thành xã viên của HTX, được hưởng chia cổ tức khi HTX hoạt động hiệu quả. Đây cũng được xem là điểm mấu chốt để tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa HTX và người lao động góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững.

Kinh nghiệm của Đức cho thấy, để đào tạo nghề trong nông nghiệp hiệu quả, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu và xu thế phát triển của thị trường lao động, từ đó nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bám sát với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Tạo ra nhiều vị trí công việc và phát triển cho thanh, thiếu niên nông thôn, tránh tình trạng giới trẻ chuyển ra thành thị tìm kiếm việc làm. Vấn đề đặt ra yêu cầu về tạo cơ chế để doanh nghiệp cùng đóng góp vào đào tạo nhân sự cho chính họ, cũng như cơ chế phối hợp hiệu quả của các bên tham gia bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ NN&PTNT, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề cho LĐNT, trên cơ sở khẳng định vai trò của doanh nghiệp, HTX trong việc tham gia vào quá trình đào tạo. Giai đoạn 2020 – 2030 dự kiến cả nước nâng số lượng HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả từ 15.000 HTX hiện nay lên 30.000 HTX vào năm 2030. Số Tổ hợp tác, trang trại cũng sẽ tăng tương ứng từ 39.500 tổ hợp tác, 39.700 trang trại lên 100.000 tổ hợp tác và trang trại mỗi loại vào năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ