Số lượng thiếu, năng lực hạn chế
Phản ánh từ một số địa phương cho thấy, đến nay vẫn còn khá nhiều khó khăn trong việc phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề cho LĐNT. Theo ông Trần Công Thành - Phó Chủ tịch huyện Phú Xuyên, Hà Nội, một khó khăn của địa phương là tình trạng thiếu giáo viên; huyện chưa có trung tâm dạy nghề nên việc dạy nghề cho LĐNT chủ yếu do các doanh nghiệp, đơn vị và các trường ngoài địa bàn huyện thực hiện, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh, bố trí dạy và học. Điều này làm phát sinh hạn chế trong quản lý chất lượng dạy nghề sau đào tạo, trách nhiệm của đơn vị dạy nghề trong giới thiệu tạo việc làm, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho học viên học nghề.
Yên Bái là địa phương đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong đào tạo nghề cho LĐNT với khoảng 5.300 người. Nhưng đến nay, đội ngũ cán bộ giảng dạy hàng năm chủ yếu vẫn là giáo viên thỉnh giảng (cán bộ của các trung tâm, trạm khuyến nông, thú y…); một số chưa có nhiều kinh nghiệm dạy nghề, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo; số lao động học nghề phi nông nghiệp có tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm không cao.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục hợp tác kinh tế, Bộ NN&PTNT cho biết: Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của một số đơn vị đào tạo, đặc biệt ở cấp huyện và các tổ chức, đoàn thể tham gia đào tạo nghề vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu cơ sở vật chất. Nhiều cơ sở tại địa phương vẫn tập trung đào tạo theo tư duy cũ, chưa quan tâm đến yêu cầu chất lượng nhân lực của doanh nghiệp và nhu cầu của người học. Chính sách hỗ trợ cho người dạy nghề vẫn còn bất cập, dẫn đến tình trạng địa phương, cơ sở dạy nghề không thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia dạy nghề.
Tạo cơ chế thu hút giáo viên dạy nghề
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong 10 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, đã có trên 10.000 người dạy nghề cho LĐNT là giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… đạt 133% kế hoạch và vượt 33% mục tiêu trong Đề án…
Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Hoạt động đào tạo nghề cho nông dân và LĐNT không chỉ huy động các cơ sở đào tạo nghề mà còn thu hút các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường trung cấp, cao đẳng, đại học, lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, những nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề.
Giải pháp quan trọng hàng đầu của đào tạo là gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động. Để đào tạo nghề cho LĐNT trong cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp hiệu quả hơn, cần có cơ chế để tăng cường nguồn lực giáo viên dạy nghề, thu hút cán bộ doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, đào tạo cùng cơ sở dạy nghề.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát danh mục nghề, xây dựng mức chi phí đào tạo cho từng nghề và rà soát lại các cơ sở, chương trình dạy nghề cho LĐNT, tăng cường nguồn lực nhằm bảo đảm cung cấp cho người học kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, kỹ năng mềm về pháp luật lao động, làm việc theo tổ, nhóm, kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp.