Kinh nghiệm thiết kế giáo án và tổ chức dạy học tích hợp - liên môn

GD&TĐ - Biên soạn giáo án tích hợp và thực hiện bài dạy tích hợp là hai công đoạn quan trọng trong quy trình tổ chức dạy học tích hợp - liên môn, cùng với việc xác định bài dạy tích hợp và kiểm tra, đánh giá.

Kinh nghiệm thiết kế giáo án và tổ chức dạy học tích hợp - liên môn

Giáo án không phải bản đề cương kiến thức

Cô Vũ Thị Lệ Hằng - Giáo viên Trường Trường THPT Kim Sơn A (Ninh Bình) - cho rằng: Giáo án giờ học vận dụng kiến thức liên môn không phải là một bản đề cương kiến thức để giáo viên lên lớp giảng giải, truyền thụ áp đặt cho học sinh, mà là một bản thiết kế các hoạt động, thao tác nhằm tổ chức học sinh thực hiện trong giờ lên lớp để lĩnh hội tri thức, phát triển năng lực và nhân cách theo mục đích giáo dục và giáo dưỡng của bộ môn.

Đó là bản thiết kế gồm hai phần hợp thành hữu cơ: Một là, hệ thống các tình huống dạy học được đặt ra từ nội dung khách quan của bài dạy, phù hợp với tính chất và trình độ tiếp nhận của học sinh.

Hai là, một hệ thống các hoạt động, thao tác tương ứng với các tình huống trên do giáo viên sắp xếp, tổ chức hợp lí nhằm hướng dẫn học sinh từng bước tiếp cận, chiếm lĩnh bài học một cách tích cực và sáng tạo.

Thiết kế giáo án giờ học vận dụng kiến thức liên môn phải bám chặt vào những kiến thức các bộ môn có liên quan.

Đồng thời, phải bảo đảm nội dung và cấu trúc đặc thù nhưng không gò ép vào một khuôn mẫu cứng nhắc mà cần tạo ra những "chân trời" mở cho sự tìm tòi sáng tạo trong các phương án tiếp nhận của học sinh, trên cơ sở bảo đảm được chủ đích, yêu cầu chung của giờ học.

Cô Vũ Thị Lệ Hằng cũng nhấn mạnh: Nội dung dạy học của thiết kế giáo án giờ học vận dụng kiến thức liên môn phải làm rõ những tri thức và kĩ năng cần hình thành, tích luỹ cho học sinh qua phân tích, chiếm lĩnh kiến thức; mặt khác, phải chú trọng nội dung tích hợp giữa tri thức bộ môn mình dạy với các bộ môn khác.

"Giáo án giờ học vận dụng kiến thức liên môn theo quan điểm tích hợp phải chú trọng thiết kế các tình huống tích hợp và tương ứng là các hoạt động phức hợp để học sinh vận dụng phối hợp các tri thức và kĩ năng của các phân môn vào xử lí các tình huống đặt ra.

Qua đó, chẳng những lĩnh hội được những tri thức và kĩ năng riêng rẽ của từng phân môn mà còn chiếm lĩnh tri thức và phát triển năng lực tích hợp" - cô Vũ Thị Lệ Hằng chia sẻ.

Tổ chức dạy: Tuyệt đối không cho học sinh biết trước câu hỏi

Theo cô Vũ Thị Lệ Hằng, tổ chức giờ học trên lớp là tiến trình thực thi bản kế hoạch phối hợp hữu cơ hoạt động của giáo viên và học sinh theo một cơ cấu sư phạm hợp lí, khoa học.

Trong đó, giáo viên giữ vai trò, chức năng tổ chức, hướng dẫn, định hướng chứ không phải truyền thụ áp đặt một chiều. Học sinh được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình tiếp nhận, đóng vai trò chủ thể cảm thụ, nhận thức thẩm mĩ, trực tiếp tiến hành hoạt động tiếp cận, khám phá, chiếm lĩnh kiến thức.

Tổ chức hoạt động đọc hiểu vận dụng kiến thức liên môn trên lớp, giáo viên phải chú trọng mối quan hệ giữa học sinh và nội dung dạy học, phải coi đây là mối quan hệ cơ bản, quan trọng nhất trong cơ chế giờ học.

Muốn vậy, giáo viên phải từ bỏ vai trò, chức năng truyền thống là truyền đạt kiến thức có sẵn cho học sinh, còn học sinh không thể duy trì thói quen nghe giảng, ghi chép, học thuộc, rồi “làm bài” theo lối tái hiện, sao chép, làm thui chột dần năng lực tư duy sáng tạo, khả năng tự đọc, tự tìm tòi, xử lí thông tin, tổ chức các kiến thức một cách sáng tạo.

"Tổ chức chủ đề tích hợp liên môn tuyệt đối không cho học sinh biết trước hệ thống câu hỏi và nội dung kiến thức mà chúng ta chỉ thông báo chủ đề dạy học để các em tự tìm tòi, khám phá nội dung liên quan" - cô Vũ Thị Lệ Hằng nhấn mạnh thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ