* Xin ông cho biết, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có những giải pháp nào nhằm hỗ trợ giáo viên nói chung, giáo viên môn Toán và Khoa học Tự nhiên nói riêng bắt nhịp với phương pháp dạy học tích hợp, liên môn?
- Thời gian qua, khi chúng tôi tiến hành triển khai áp dụng dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, hầu hết giáo viên các trường đều thừa nhận những ưu điểm của phương pháp dạy học này. Theo đó, nếu giáo viên biết vận dụng đúng lúc, đúng chỗ thì bài học sẽ trở nên sinh động, học sinh hứng thú học tập và khắc sâu hơn nội dung kiến thức bài học.
Nắm bắt được những ưu điểm vượt trội của phương pháp dạy học tích hợp, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã triển khai đến các trường xây dựng chủ đề dạy học tích hợp, liên môn.
Để giúp các trường cũng như là các giáo viên có những bước đi đúng hướng, chúng tôi đã tiến hành tổ chức nhiều buổi tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các trường về cách xây dựng chủ đề, kỹ năng tích hợp nội dung kiến thức bài học và một số kỹ năng mềm nhằm tạo sức hút trong mỗi bài học đối với học sinh.
Những cán bộ, giáo viên này sẽ là những nhân tố điển hình để phổ biến, nhân rộng đến các đồng nghiệp khác trong trường, hoặc cụm trường. Từ đó tạo sự lan tỏa sâu rộng đến toàn ngành về triển khai xây dựng chủ đề dạy học theo hướng tích hợp, liên môn.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các giáo viên được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, chúng tôi cũng đã phát động Cuộc thi Dạy học tích hợp dành cho giáo viên trung học. Cuộc thi đã thu hút được hơn 1.000 giáo viên tham gia ở các cấp học. Cuộc thi đã tạo được hiệu ứng tích cực và cổ vũ động viên giáo viên tham gia xây dựng chủ đề dạy học tích hợp.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng những bài giảng mẫu, những chủ đề tích hợp liên môn đạt chuẩn ở tất các môn, kể cả môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên để làm tài liệu tham khảo cho các trường, và các giáo viên. Đây cũng sẽ là kho tư liệu để chúng tôi có thêm cơ sở nhằm triển khai sâu rộng phương pháp dạy học mới này đến các trường phổ thông trên địa bàn.
* Ông vừa nhắc đến “kho tư liệu” về các chủ đề dạy học theo hướng tích hợp liên môn, vậy ông có thể chia sẻ kỹ hơn việc xây dựng kho tư liệu này đối với môn Toán và các môn Khoa học Tự nhiên?
- Hoạt động xây dựng chủ đề dạy học theo hướng tích hợp, liên môn ở Hà Tĩnh ngày càng đi vào chiều sâu và thuận lợi hơn. Cụ thể hàng năm mỗi tổ chuyên môn đã xây dựng được từ 3 - 4 chủ đề dạy học, trong đó có nhiều chủ đề tích hợp, liên môn ở tất cả các môn học. Với môn Toán, đã có gần 40 chủ đề dạy học được xây dựng và dạy thể nghiệm tại các nhà trường: Chủ đề “Bội chung và bội chung nhỏ nhất”; hoặc “Dãy tỉ số bằng nhau”…
Với môn Hóa học đã xây dựng được 36 chủ đề dạy học theo hướng tích hợp, liên môn với các môn học Vật lý, Sinh học, Công nghệ... Nhiều chủ đề được đánh giá cao về tính hiệu quả trong dạy học: “Không khí với đời sống”; “Phân bón hóa học”; “Nguyên tố Clo, lợi ích và tác hại trong cuộc sống”…
Môn Vật lý đã xây dựng được 25 chủ đề dạy học theo hướng tích hợp liên môn với các môn Hóa học, Sinh học và tích hợp thuộc các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường sống như: Chủ đề “Tia hồng ngoại, tia tử ngoại”; “Sử dụng hợp lý và tiết kiệm điện năng góp phần bảo vệ môi trường”; “Các hiện tượng và ứng dụng của dòng điện trong chất khí”; “Giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”…
Môn Sinh học đã xây dựng được gần 30 chủ đề theo hướng tích hợp với các lĩnh vực trên và liên môn với các bộ môn Vật lý, Hóa học, Giáo dục công dân, Văn học. Trong đó có một số chủ đề mang tính ứng dụng thực tiễn cao như: “Virus và đời sống”; “Phòng chống HIV/AIDS”; “Vận dụng kiến thức liên môn vào bộ môn Sinh học để tìm hiểu những giá trị của vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh”…
* Sau một thời gian triển khai dạy học tích hợp, liên môn ở môn Toán và Khoa học tự nhiên, kết quả kiểm tra, khảo sát là như thế nào, thưa ông?
Qua kiểm tra, khảo sát cho thấy, dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn đã tạo động lực để giáo viên phải không ngừng học hỏi tích lũy kiến thức, kinh nghiệm không những chỉ ở bộ môn mình giảng dạy mà còn ở các bộ môn khác để chuẩn bị cho bài dạy thêm sinh động, hấp dẫn có tính ứng dụng thực tế cao; học sinh tích cực hứng thú trong học tập đặc biệt là các em vận dụng tổng hợp được kiến thức của nhiều môn học để giải thích được các hiện tượng, sự vật thường ngày trong đời sống.
Điều này giúp các em đam mê học tập, tìm tòi nghiên cứu các vấn đề mới trong thực tiễn; trong quá trình học tập học sinh chủ động trong quá trình thu nhận kiến thức, các em biết cách làm việc nhóm hiệu quả và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn rất cao.
Chẳng hạn như với chủ đề “Không khí với đời sống” được tích hợp kiến thức các môn học Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Vật lý. Sau khi học xong bài học này, các em đã chủ động tuyên truyền để ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường, biết chăm sóc và bảo vệ cây xanh để tạo oxy; đồng thời biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình như: Không sử dụng bếp than sưởi ấm trong các phòng kín, mở cửa sổ phòng để đón ánh nắng và không khí…
Hay như ở chủ đề “Virus và đời sống” được tích hợp kiến thức với các môn Sinh học, Hóa học, Giáo dục công dân, Ngữ văn, học sinh đã hiểu rõ hơn về cấu trúc, cách lây nhiễm, cách phòng tránh một số dịch bệnh phổ biến hiện nay do virus gây ra. Từ đó biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân, để không bị lây nhiễm bệnh. Đồng thời chủ động tham gia phòng chống các dịch bệnh góp phần bảo vệ bản thân mình, gia đình và cộng đồng nơi mình sinh sống và học tập.
* Xin cảm ơn ông!
“Hoạt động xây dựng chủ đề dạy học theo hướng tích hợp, liên môn ở Hà Tĩnh ngày càng đi vào chiều sâu và thuận lợi hơn. Cụ thể, hàng năm mỗi tổ chuyên môn đã xây dựng được từ 3 - 4 chủ đề dạy học, trong đó có nhiều chủ đề tích hợp, liên môn ở tất cả các môn học”.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc - Sở GD&ĐT Hà Tĩnh