Kinh nghiệm tâm huyết bồi dưỡng học sinh giỏi Văn

GD&TĐ - Nhiều giáo viên, học sinh quan niệm: Giỏi là trên mức bình thường, vì vậy kiến thức ôn luyện học sinh giỏi phải cao sâu... Thực tế không hoàn toàn như vậy.

Kinh nghiệm tâm huyết bồi dưỡng học sinh giỏi Văn

Chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng kiến thức cho học sinh giỏi, thầy Nguyễn Duy Tú - giáo viên Trường PTDT Nội trú Than Uyên (Lai Châu) ví von: Giống như việc chúng ta xây nhà, phải bắt đầu từ nền móng. Kiến thức và kĩ năng cũng vậy, không có kiến thức, kĩ năng cơ bản sẽ không có chuyên sâu.

2 bước quan trọng

Theo thầy Nguyễn Duy Tú, có thể bồi dưỡng về kiến thức cho học sinh theo 2 bước.

Bước 1: Cung cấp đầy đủ những kiến thức lí thuyết định hướng thực hành.

Không có lí thuyết định hướng học sinh sẽ rơi vào tình trạng nói, viết tuỳ tiện. Có những giờ bồi dưỡng chỉ nhằm rèn luyện một thao tác, khẳng định một phần kiến thức nhưng có giờ giáo viên nhằm vào việc củng cố, làm rõ nhiều vấn đề lí thuyết và nhiều kĩ năng.

Những lí thuyết này có thể học sinh chưa học trong chương trình chính khoá, có thể giáo viên củng cố, khẳng định, nâng cao hơn lí thuyết học sinh đã học.

Bởi vậy, khi cung cấp giáo viên luôn quan tâm đến từng đối tượng tiếp nhận để học sinh thấy tầm quan trong của lí thuyết và ý nghĩa của lí thuyết đối với thực hành.

Ví dụ: khi ôn học sinh giỏi lớp 7 phần văn nghị luận - học kì II, việc đầu tiên giáo viên cung cấp kiến thức đơn giản có trong sách giáo khoa như: Thế nào là văn nghị luận? Đặc điểm của luận điểm, luận cứ, lập luận và phương pháp lập luận trong văn nghị luận. Sau đó, giúp học sinh hiểu cách làm bài văn nghị luận chứng minh, nghị luận giải thích, nghị luận chứng minh kết hợp với giải thích.

Tiếp theo, giáo viên cung cấp kiến thức về văn bản như “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” - Hồ Chí Minh; “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” - Phạm Văn Đồng... học sinh hiểu kiến thức nội dung, nghệ thuật của văn bản và khắc sâu hơn kiến thức về đặc điểm của văn nghị luận.

Từ lí thuyết đã cung cấp, học sinh có cơ sở để thực hành.

Bước 2: Chuẩn bị tốt nội dung viết

Chỉ có kiến thức lí thuyết về các kiểu bài văn và các thao tác làm văn, học sinh chưa thể tạo ra một bài văn tốt. Học sinh sẽ không biết viết gì trong bài làm của mình khi chưa có hiểu biết đầy đủ về đối tượng trình bày.

Bởi vậy tư liệu, kiến thức càng sâu, rộng, phong phú, đa dạng thì nội dung càng hàm súc, chặt chẽ. Giáo viên cần cung cấp thêm kiến thức sâu, rộng của vấn đề từ đó học sinh có cái nền vững chắc cho bài viết.

Giáo viên cũng cần hướng dẫn học sinh, không phải tất cả hiểu biết đều đưa vào bài mà cần biết chọn lọc, lựa chọn cái gì trong vốn hiểu biết của mình cho phù hợp với đề bài. Do vậy việc chuẩn bị tốt những nội dung cho học sinh lựa chọn là điều không thể thiếu trước khi làm bài.

Chẳng hạn, với đề văn “Hãy phân tích tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thể hiện trong đoạn trích “Nước Đại Việt ta” - Ngữ Văn 8, tập II, ít ra học sinh phải nắm các nội dung cụ thể: Thế nào là tư tưởng nhân nghĩa và có thêm kiến thức như thời đại, thân thế và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn trãi… càng nhiều càng tốt.

Thiếu những hiểu biết đó, đặc biệt những kiến thức phục vụ trực tiếp cho đề bài, học sinh không thể không tránh khỏi lúng túng khi triển khai bài viết của mình.

Bồi dưỡng về kĩ năng làm bài

Với kĩ năng làm bài, thầy Nguyễn Duy Tú cho rằng, cần bồi dưỡng cho học sinh kĩ năng xác định nội dung, yêu cầu của đề bài và phương hướng triển khai bài viết; kĩ năng lập luận; kĩ năng hành văn và kĩ năng hoàn thiện bài viết.

Để xác định nội dung, yêu cầu của đề bài và vạch ra phương hướng triển khai bài viết một cách đúng đắn, học sinh cần phải đọc kĩ đề bài, chú ý tới các dữ kiện đề bài đưa ra và những yêu cầu mà đề bài đòi hỏi.

Khi đề có lời dẫn thì hết sức thận trọng, tìm hiểu cẩn thận từng từ ngữ, từng mối quan hệ giữa các thành phần câu để có thể hiểu một cách chính xác nội dung mà đề được nêu.

Giả dụ: Lời dẫn là một câu tục ngữ, châm ngôn hoặc lời nói có ngụ ý sâu xa cần phải xem xét cả nghĩa đen và nghĩa bóng để có thể hiểu đúng hướng, tránh sự hiểu lầm hoặc suy diễn thiếu cơ sở.

Cùng với đó, xác định những yêu cầu chính của đề: Nội dung, giới hạn, dạng đề, mức độ cần giải quyết…

Để có thể định được phương hướng triển khai bài viết, học sinh cần trả lời được các câu hỏi: Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết cho ai? Viết theo cách nào? Việc trả lời các câu hỏi này càng rõ ràng, cụ thể, chính xác thì hiệu quả của bài viết càng cao, đặc biệt câu hỏi “Viết cái gì?”. Nếu không xác định rõ sẽ dẫn tới chỗ lạc đề, loãng đề hoặc phá vỡ nội dung bố cục bài viết.

Kĩ năng lập dàn ý: Lập dàn ý là cách sắp xếp nội dung chủ yếu của bài viết theo một chiến lược nhất định. Đó là cách tổ chức các luận điểm của bài sao cho bộc lộ được nội dung và lô gíc vấn đề, có tác động tới tư tưởng, tình cảm và hành động của người đọc.

Giáo viên nên hướng dẫn học sinh chia nội dung các ý thành những nhóm nhỏ theo quy định của tiểu chủ đề. Mỗi chủ đề thể hiện một ý riêng không trùng lặp với ý chủ đề khác. Cũng cần lưu ý học sinh nhất thiết phải vạch ra dàn ý. Không cần quá chi tiết, song việc dành ra 5- 10 phút cho xác định ý là điều không thể thiếu.

Kĩ năng viết đúng theo dàn ý: Hiện nay, nhiều học sinh khi làm bài có lập dàn ý nhưng khi viết không điều khiển được ngòi bút, suy nghĩ nên bài viết không bám sát dàn ý, hoặc thoát li hoàn toàn dàn ý. Việc này làm cho dàn ý mất hết ý nghĩa nên việc lập dàn ý trở thành hình thức, máy móc. Bởi vậy, việc rèn kĩ năng viết đúng dàn ý là điều cần thiết với học sinh.

Để học sinh viết đúng dàn ý, giáo viên hướng dẫn học sinh lập dàn ý sát với đề bài, chu đáo, có như vậy khi viết mới liên tục, chủ động. Khi làm bài không có dàn ý chẳng khác nào người đi trong rừng rậm hoặc đi biển mà không có la bàn, học sinh sẽ viết lung tung, phá vỡ sự tập trung của chủ đề, thiếu ý hoặc loãng ý.

Khi viết bài, học sinh có thể bổ sung ý vào bài viết của mình khi cần thiết song phải đảm bảo mạch lạc sự phát triển của vấn đề, không được tạo ra sự gãy khúc trong khi trình bày văn bản.

Kĩ năng lập luận: Lập luận là cách thức đưa vấn đề, trình bày vấn đề sao cho có tính thuyết phục và luôn luôn đảm bảo sự nhất quán trong suốt quá trình trình bày.

Luận điểm, luận cứ, luận chứng là những yếu tố quan trọng của lập luận. Luận điểm là mội dung quan trọng mà người viết muốn đề cập đến, phục vụ cho việc làm sáng rõ nội dung của bài viết. Luận điểm được coi là một tiểu chủ đề.

Còn luận cứ là những lí lẽ mà người viết đưa ra nhằm thuyết minh, làm sáng tỏ luận điểm. Đây chính là những ý phụ của luận điểm. Một luận điểm có thể chia làm nhiều luận cứ.

Như vậy luận điểm không cùng bậc với luận cứ, nó thuộc bậc trên, bậc lớn hơn. Còn luận chứng là những tài liệu, dẫn chứng minh hoạ… làm sáng tỏ luận cứ. Chính vì vậy lập luận chính là sự xâu chuỗi các luận cứ, luận chứng sao cho hợp lí, thuyết phục người đọc nhất, giúp người đọc nhận ra luận điểm, tin ở luận điểm.

Để lập luận chặt chẽ, yêu cầu học sinh sử dụng một số cách triển khai đoạn văn như liệt kê, quy nạp, móc xích, song hành, hỏi đáp, tương phản.

Kĩ năng hành văn: Trong thực tế ôn luyện, nhiều học sinh lầm tưởng rằng khi viết văn càng dùng nhiều hình ảnh, nhiều sự ví von, so sánh hoặc nhiều từ ngữ sinh động bài viết càng đạt kết quả cao. Vì sự ngộ nhận này mà nhiều lúc các em cố tình dùng từ ngữ sáo mòn, diễn đạt vòng vèo, cầu kì, không phù hợp với phong cách của bài viết. Vì vậy trong khi ôn luyện cần rèn cho học sinh viết đúng phong cách, phù hợp với nội dung bài viết.

Muốn viết đúng phong cách, bài hay cần có vốn từ, nắm vững các kiểu kết cấu ngữ pháp của câu, thường xuyên vận dụng, luyện tập. Muốn vậy giáo viên phải luôn kiểm tra, sửa chữa bài viết của mỗi học sinh thì bài làm của các em mới đạt đến cái đích: trong ý và sáng trong lời.

Kĩ năng hoàn thiện bài viết: Giáo viên ôn luyện phải thường xuyên đòi hỏi học sinh có năng lực biết tự nhận xét, tự đánh giá, điều chỉnh bài viết của mình. Biết tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu; phân tích để thấy đâu là cái đúng, đâu là cái sai… trong bài viết.

Việc hoàn thiện, điều chỉnh có thể tiến hành ngay sau khi học sinh thực hành viết xong, cũng có thể ở buổi ôn sau rồi giáo viên mới thu, chấm và nhận xét, chỉ ra những lỗi để học sinh điều chỉnh cho đúng, dựa theo sự gợi ý của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ