Giải pháp mà cô Nguyễn Thị Mộng Trinh và thầy Diên Văn Yên đưa ra là phát huy hiệu quả thiết thực hành Hóa học qua mẫu tường trình thí nghiệm ở trường THPT.
Lợi ích của mẫu tường trình
Trước đây, khi chưa có mẫu tường trình thí nghiệm, đến tiết thực hành, học sinh tự lập bảng tường trình, tự ghi cách tiến hành thí nghiệm,…
Số lượng học sinh trong một nhóm đông (khoảng 8 - 10 học sinh), dẫn đến tỉ lệ học sinh tự tay làm thí nghiệm là rất ít, không rèn luyện được kỹ năng thực hành.
Với việc sử dụng tường trình thí nghiệm, giáo viên có nhiều thời gian hơn để quan sát đánh giá quá trình học sinh tiến hành thí nghiệm;
Đồng thời, chấm điểm theo nhóm thực hành được dễ dàng hơn tại phòng thí nghiệm trong quá trình học sinh tiến hành thí nghiệm (giáo viên chấm điểm các mục: Cách tiến hành, trật tự, vệ sinh theo qui định về điểm số).
Bên cạnh đó, học sinh được mang SGK vào phòng thí nghiệm, các em phụ thuộc rất nhiều vào SGK như không xem trước nội dung kiến thức ở nhà, mà chỉ ghi chép từ SGK từ cách tiến hành đến giải thích hiện tượng, phương trình phản ứng. Từ đó, các em không phát huy được năng lực tư duy sáng tạo.
Về phía giáo viên, mất rất nhiều thời gian trong việc hướng dẫn học sinh cách tiến hành, lắp ráp dụng cụ, quản lí nhóm thực hành. Giáo viên không đánh giá chính xác năng lực, kỹ năng thực hành của học sinh, không hình thành cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng tự làm việc.
Đáp ứng nhu cầu của phòng thí nghiệm thực hành mới hiện nay, thiết kế cho 12 nhóm thực hành (4 học sinh cho một nhóm), để đảm bảo thời gian cho một tiết thực hành và mỗi học sinh đều được tự làm thí nghiệm, làm việc nhóm theo phương pháp tự nghiên cứu. Mẫu tường trình thí nghiệm về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên.
Mẫu tường trình được trình bày rất cụ thể cho một bài thực hành: Hóa chất và dụng cụ, cách tiến hành có hình ảnh minh họa (SGK không có). Bằng phương pháp trực quan, học sinh quan sát mô tả thí nghiệm, giải thích hiện tượng và viết phương trình phản ứng.
Mẫu tường trình thí nghiệm là công cụ để kiểm tra, đánh giá trình độ của học sinh về kiến thức chuyên môn qua các bài đã học, về mối liên hệ giữa lý thuyết và thực hành. Kiểm tra năng lực, kỹ năng thực hành, làm việc theo nhóm của học sinh.
Mẫu tường trình thí nghiệm được viết dựa trên các bài thực hành trong sách giáo khoa của 3 khối lớp (10; 11; 12) cả cơ bản và nâng cao, tất cả có 6 tập tường trình được trình bày gồm 2 phần:
Phấn thứ nhất: Lớp, nhóm thực hành, họ và tên học sinh trong nhóm và phần thứ 2 là các bài thực hành.
Lưu ý: Khi sử dụng tập tường trình thí nghiệm, mỗi nhóm thực hành chỉ có 1 tập tường trình thí nghiệm; giữ gìn cẩn thận để làm suốt năm học; không để thấm nước, thấm hóa chất khi làm thí nghiệm; nộp lại cho thầy (cô) sau mỗi buổi thí nghiệm.
Cách thức thực hiện
Đầu năm, giáo viên chia nhóm (có thể chia theo bàn học trong lớp), mỗi nhóm khoảng 3 - 4 học sinh và phát cho mỗi nhóm một tập tường trình thí nghiệm để các em sử dụng trong cả năm học.
Khi đến giờ thực hành, giáo viên phát tập tường trình cho các nhóm. Sau khi thực hành xong, học sinh nộp lại tập tường trình và được lưu tại phòng thí nghiệm, học sinh không được mang tập tường trình về nhà.
Cần thiết có một tập tường trình thí nghiệm hóa học là chính đáng để đáp ứng và phù hợp với phương pháp dạy và học ngày nay.
Tập tường trình có tác dụng rất hữu ích đối với học sinh về kiến thức cũng như thời gian và thao tác tiến hành thí nghiệm.
Về kiến thức, học sinh phải xem trước bài thực hành trong SGK và chuẩn bị kiến thức trước ở nhà. Đây là một biện pháp giúp học sinh nắm vững kiến thức trước khí tiến hành thí nghiệm, để chứng minh cho kiến thức mà các em vừa được học trên lớp, vì học sinh không được mang sách giáo khoa vào phòng thí nghiệm.
Về tiến hành thí nghiệm: Học sinh thực hành theo nhóm (4 hoc sinh/một nhóm), tất cả các em đều được làm thí nghiệm, chiếm tỉ lệ 100%. Các em tự lắp ráp dụng cụ , tự tay lấy hóa chất để làm thí nghiệm (đã được hướng dẫn rất cụ thể trong tập tường trình mà trong SGK không có).
Qua đó, học sinh được rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng trao đổi thông tin, hợp tác, làm việc nhóm, từ đó hình thành kỹ năng sống cho học sinh.
Về thời gian: Sử dụng mẫu tường trình thí nghiệm giúp học sinh rất tốt về mặt thời gian, vì trong tập tường trình đã có sẵn: Hóa chất và dụng cụ cần thiết cho buổi thực hành (đã được giáo viên chuẩn bị), cách tiến hành có hình ảnh minh họa rất cụ thể và dễ hiểu, học sinh có thể quan sát hình vẽ để lắp dụng cụ hay làm theo các bước.
Học sinh được nhiều thời gian hơn để tiến hành thí nghiệm, quan sát, giải thích hiện tượng và viết phương trình phản ứng, ít phụ thuộc vào sự hướng dẫn của giáo viên.
Từ đó, học sinh giải thích được các vấn đề mà các em được học theo lý thuyết, giúp các em nắm vững kiến thức một cách sâu sắc và hoàn thành bài thực hành theo yêu cầu .
Về phía giáo viên: Lưu tập tường trình tại phòng thí nghiệm và phát cho mỗi nhóm khi đến giờ thực hành; chịu trách nhiệm chuẩn bị cho mỗi nhóm các dụng cụ và hóa chất cần thiết theo mẫu tường trình.
Với cách làm này, tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường sẽ quản lý và theo dõi quá trình thực hành của giáo viên được thuận tiện và dễ dàng hơn, nhắc nhỡ giáo viên thực hành chậm so với nội dung chương trình.