Kinh nghiệm ôn tập môn Địa lý thi tốt nghiệp ở giai đoạn nước rút

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô giáo Vũ Thị Hương, Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) lưu ý thí sinh một số phương pháp ôn tập và sử dụng Atlat để làm tốt bài thi môn Địa lý.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) ôn thi tốt nghiệp.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) ôn thi tốt nghiệp.

Cô giáo Vũ Thị Hương - Tổ trưởng chuyên môn môn Địa lý, Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) hướng dẫn phương pháp ôn tập môn Địa lý trong giai đoạn nước rút để đạt điểm cao.

Kỹ năng sử dụng Atlat - làm việc với bảng số liệu, biểu đồ

Cô Vũ Thị Hương nhận xét: Từ đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố cho thấy điểm mới trong đề thi năm nay là câu hỏi Atlat không ghi sẵn số trang. Vì vậy, để khai thác tốt Atlat các em cần đọc kĩ mục lục, cũng như chú giải Atlat. Học sinh cần rèn kĩ năng khai thác Atlat và làm việc với bảng số liệu, biểu đồ vì phần này chiếm 4,75 điểm, làm chắc để không bị sai.

Dù các câu hỏi sử dụng Atlat phần lớn chỉ nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu nhưng thí sinh cần nắm cấu trúc của Atlat để xác định được nội dung câu hỏi nằm ở phần nào. Ngoài ra, thí sinh phải đọc, hiểu hệ thống ký hiệu của trang Atlat để nắm được ý nghĩa của các ký hiệu. Atlat Địa lý có rất nhiều ký hiệu, trong khi một số trang lại không có bảng chú thích. Nếu không biết được ý nghĩa của các ký hiệu thì rất khó khăn trong đọc bản đồ, biểu đồ.

Giờ học Địa lý của học sinh Trường THPT Thanh Khê (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Giờ học Địa lý của học sinh Trường THPT Thanh Khê (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Một kỹ năng quan trọng trong sử dụng Atlat là xác định tên, đặc điểm và mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý. Có một số câu hỏi, thí sinh phải biết kết hợp một số bản đồ, biểu đồ để cho ra kết quả. Vì vậy, phải xác định đúng vị trí và đọc đúng tên đối tượng địa lý trên Atlat.

Phần bảng số liệu và biểu đồ, các em cần có kĩ năng nhận dạng loại biểu đồ và sử dụng thành thạo một số công thức tính toán đơn giản.

Phân tích cấu trúc đề minh họa

Cô Vũ Thị Hương lưu ý một số kiến thức trọng tâm khi ôn tập môn Địa lý trên cơ sở phân tích cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, các câu hỏi nhận biết liên quan đến kiến thức bài 14,15, 26, 27 và 39. “Ở phần này, các em cần trình bày được biện pháp bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên đất, đa dạng sinh học; đặc điểm các thiên tai ở nước ta, cũng như các biện pháp phòng chống; trình bày đặc điểm ngành công nghiệp, sản phẩm của ngành công nghiệp trọng điểm; cơ cấu cây trồng vùng Đông Nam Bộ, cần phân biệt được đâu là cây công nghiệp lâu năm, đâu là cây công nghiệp hàng năm” – cô Hương cho biết.

Các câu hỏi thông hiểu liên quan đến kiến thức bài Vị trí địa lí và lãnh thổ, Địa lí dân cư và Địa lí các ngành kinh tế. Những câu hỏi ở phần này, các em cần học kĩ các đặc điểm Vị trí địa lí lãnh thổ Việt Nam; đặc điểm nguồn lao động và quá trình đô thị hóa ở nước ta; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc điểm các ngành kinh tế (nông nghiệp, dịch vụ).

Ngoài ra, có khoảng 8 câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, phần lớn nằm ở nội dung các Vùng kinh tế. “Ở nội dung này, các em cần tập trung trả lời câu hỏi về “giải pháp” cũng như “ý nghĩa” khai thác hiệu quả các thế mạnh của các vùng, định hướng phát triển kinh tế của các vùng” – cô Hương lưu ý đến các thí sinh.

Ngoài nắm vững cấu trúc đề minh họa để học trọng tâm, theo cô Vũ Thị Hương, trong thời gian còn lại cho đến ngày dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần làm nhiều đề tham khảo để làm quen với nhiều dạng câu hỏi, có thêm kinh nghiệm và kỹ thuật làm bài thi. Nguồn đề tham khảo có thể là các đề minh họa, đề thi chính thức của Bộ những năm gần đây, đồng thời tham khảo đề của các trường, các sở Giáo dục trên cả nước. Ở mỗi câu hỏi làm sai, cần có thời gian xem lại, rút kinh nghiệm để tránh lặp lại các lỗi tương tự ở lần trả lời sau.

Trong quá trình làm bài, cô Vũ Thị Hương khuyên thí sinh cần chia thời gian làm bài hợp lí, kiểm tra kĩ việc tô mã đề thi, số báo danh, cẩn thận khi tô đáp án trắc nghiệm, không xóa tẩy lem bẩn vì máy sẽ không chấm được.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.