Kinh nghiệm kết nối doanh nghiệp với nhà trường từ Australia

GD&TĐ - Chủ đề của khóa tập huấn đặc biệt do Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) tổ chức với các học viên là giảng viên, cán bộ quản lý các trường dạy nghề và nhóm doanh nghiệp Logistics rất “nóng”: Làm thế nào để doanh nghiệp và nhà trường “gặp nhau” trong đào tạo nghề? 

Chuyên gia Darren Leitch trao đổi với các học viên
Chuyên gia Darren Leitch trao đổi với các học viên

Hỏi chuyện chuyên gia đứng lớp - ông Darren Leitch - Tổ chức Tiêu chuẩn nghề Úc, ông nhiệt huyết chia sẻ: Có phương pháp để kết nối yêu cầu của các doanh nghiệp Logistics Việt Nam với việc đào tạo ở các nhà trường!

Chiến lược kết nối

* Trong bài giảng của ông, để liên hệ giữa nhà trường và các doanh nghiệp, có một nội dung là chiến lược kết nối. Ông mang kinh nghiệm gì từ chiến lược kết nối doanh nghiệp và nhà trường ở Úc đến các học viên Việt Nam?

- Chúng tôi đã có một hành trình dài trong hơn 20 năm và một trong những thành tựu tiêu biểu đối với hệ thống giáo dục nghề là chúng tôi đã xây dựng thành công mô hình Ban Tư vấn đào tạo. Ở Australia hiện có 64 Ban tư vấn đào tạo như thế. Tại Việt Nam, chúng tôi đã xây dựng được Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics đầu tiên trong dự án thí điểm.

Ở Australia chúng tôi mất một thời gian khá dài để xây dựng hệ thống như vậy. Chúng tôi đến Việt Nam mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những bài học, vấp váp mà hệ thống giáo dục nghề Australia đã gặp phải, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng thông qua các khóa tập huấn với doanh nghiệp và các trường nghề, mong muốn Việt Nam sẽ có một thời gian ngắn hơn để xây dựng những mô hình tương tự.

* Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics tại Việt Nam đã được thành lập được 1 năm, ông đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động của ban?

- Đây là sáng kiến đầu tiên của chúng ta và đến thời điểm này vẫn rất nhiều công việc bề bộn phải làm để tăng cường năng lực cho ban. Dĩ nhiên, Ban đã có khung chung rồi nhưng chưa hoạt động đúng với tiềm năng vốn có. Cho nên chúng tôi đưa ra những hỗ trợ để làm sao để cho ban phát huy hết những hiệu quả.

Hỗ trợ của chúng tôi sẽ đi theo 3 hướng: Thứ nhất, chúng tôi đưa ra những hướng dẫn để Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics đóng vai trò lớn hơn trong chức năng định hướng cũng như đưa ra chiến lược. Thứ hai, chúng tôi tập trung tăng cường năng lực cho các thành viên của Ban để nâng cao tiếng nói của họ. Thứ ba, chúng tôi hỗ trợ cho VCCI để hoàn tất công tác thư ký hỗ trợ cho Ban tư vấn đào tạo ngành

Logistics và VCCI có thể đóng vai trò lớn hơn thu thập thông tin để phản ánh xu hướng mới, nhu cầu mới phát sinh trong tương lai.

Mô hình giáo dục nghề nghiệp do doanh nghiệp dẫn dắt

Chuyên gia Darren Leitch – Tổ chức Tiêu chuẩn nghề Úc
Chuyên gia Darren Leitch – Tổ chức Tiêu chuẩn nghề Úc 

* Được biết, khóa tập huấn đầu tiên này có mục đích lớn hơn là cùng với những khóa tập huấn sau đó sẽ đào tạo các học viên có khả năng viết được tiêu chuẩn nghề, từ đó xây dựng chương trình đào tạo. Vậy ông kỳ vọng gì ỏ các học viên sau 7 ngày tập huấn khóa đầu tiên này?

- Tôi hy vọng các học viên đã hiểu được thế nào là mô hình giáo dục nghề nghiệp do doanh nghiệp dẫn dắt và những gợi ý với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam là gì. Làm sao để bối cảnh hóa, cụ thể hóa mô hình của Australia vào Việt Nam. Chúng tôi cũng đưa cho học viên các bước cơ bản trong một quy trình đi thu thập thông tin từ thị trường; phải làm gì để thu thập được thông tin chuyên ngành, nền tảng nào để thu thập được các thông tin đó. Và khi thu thập thông tin về rồi thì phải làm gì để xây dựng các tiêu chuẩn nghề cũng như tiêu chuẩn kỹ năng nghề để làm cơ sở cho các trường xây dựng chương trình sau này.

Chúng tôi đã điểm qua một số yêu cầu chính trong việc viết các nội dung về kỹ năng, kiến thức; phương thức trách nhiệm trong các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, quá trình thẩm định. Tôi hy vọng các anh chị học viên có thể nắm được tất cả các nội dung này. Vì đây là những nội dung vô cùng cơ bản sẽ được triển khai và đào sâu thêm trong 3 khóa về sau của chương trình.

* Thông thường với các khóa tập huấn người ta hay nói về hiệu quả bền vững. Vậy ông có kết nối gì để thúc đẩy, hỗ trợ cho các học viên vận dụng được những kiến thức này vào thực tế khi trở về trường nghề hoặc doanh nghiệp?

- Đây là những bước vô cùng cơ bản và bắt đầu một hành trình rất dài. Khi nói đến vấn đề phát triển bền vững chúng ta phải làm sao để những kỹ năng này ăn sâu vào trong những sự hiểu biết và năng lực của các học viên để từ đó họ có thể vận dụng thực tế. Như vậy các học viên sẽ cần nhiều thực hành nhiều hơn để có thể ứng dụng trong thực tế công việc cũng như thực tế ở nhà trường.

Đó cũng là dự định của chúng tôi trong những học phần sắp tới trong khóa học này. Trong hai học phần sắp tới, học viên sẽ thực tập để viết các nội dung về tiêu chuẩn nghề cũng như tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho những vị trí công việc theo yêu cầu của Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các học viên đi qua quy trình này một cách bài bản, từ việc thu dữ liệu, tham vấn, quan sát để từ đó có thể xây dựng nên các tiêu chuẩn nghề một cách chính xác.

Chúng tôi luôn quan tâm đến tính bền vững của bất kỳ một khóa học nào. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy tính bền vững phải vượt qua hơn phạm vi của dự án. Thời gian dự án năm nay từ 10 - 12 tháng nhưng dự định của chúng tôi không chỉ là hoạt động hợp tác với các đối tác trong phạm vi dự án. Chúng tôi mong có thể bồi đắp mối quan hệ lâu dài đối với Ban Tư vấn đào tạo ngành Logistics cũng như VCCI để chúng tôi có thể theo sát các bạn trong quá trình trưởng thành. Chúng tôi tự tin rằng các bạn đã có đủ năng lực đối với Ban Tư vấn đào tạo nghề ngành Logistics cũng như năng lực thư ký của VCCI. Đó là nguyện vọng lâu dài của chúng tôi.

* Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ!

“Chúng tôi nhận thấy có lỗ hổng cơ bản giữa kỳ vọng về chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp với khả năng đào tạo nguồn nhân lực của các trường. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp thường xuyên phải đào tạo lại nguồn nhân lực khi tuyển dụng”. Chuyên gia Darren Leitch – Tổ chức Tiêu chuẩn nghề Úc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ