Những kiến thức này vừa có ý nghĩa thiết thực trong việc mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,… vừa phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy sau này ở các trường phổ thông.
Chính vì vậy, sinh viên cần có nhận thức đúng đắn, đồng thời lựa chọn cho mình một phương pháp học tập thích hợp nhất đối với học phần “Địa lí các châu lục” để có thể chiếm lĩnh kiến thức một cách nhanh chóng và có hiệu quả.
Dưới đây là những chia sẻ của thầy Tôn Sơn – giảng viên khoa Địa lý, Trường ĐH Đồng Tháp.
Những lưu ý chung
Để học tốt học phần “Địa lí các châu lục”, đồng thời có thể nắm vững kiến thức một cách sâu, rộng, sinh viên cần lưu ý một số vấn đề sau:
Trước hết, phải tự trang bị cho mình đầy đủ các tài liệu để học tập như: Giáo trình Địa lí các châu lục tập 1, 2 của PGS Nguyễn Phi Hạnh làm chủ biên, Atlat thế giới, bản đồ hành chính thế giới, lược đồ câm của các châu lục,… và luôn sử dụng chúng trong quá trình học tập trên lớp, trong các giờ thực hành, làm bài tập, ôn tập,…
Bên cạnh trang bị đầy đủ các tài liệu học tập, sinh viên cần đọc trước tài liệu khi đến lớp, khi đọc cần chú ý phân tích từ đó rút ra nhận xét về sự phân bố của các đối tượng và hiện tượng địa lí theo thời gian và không gian.
Đây không chỉ là điều kiện riêng của học phần “Địa lí các châu lục” mà là điều kiện tiên quyết của bất cứ học phần nào được giảng dạy trong nhà trường.
Bởi vì, chỉ có đọc trước tài liệu ở nhà thì sinh viên mới có thể theo kịp bài giảng của giảng viên trên lớp, từ đó có thể nêu ra những thắc mắc, những vấn đề mà bản thân mình chưa rõ trong quá trình nghiên cứu.
Nếu làm được điều này, kiến thức mà sinh viên có được sẽ rất sâu rộng, vững chắc và ngược lại…
Áp dụng học chế tín chỉ, người học phải tăng thời lượng tự học ở nhà lên gấp nhiều lần, phải làm nhiều bài tập thực hành hơn, làm việc theo nhóm nhiều hơn,…Trên cơ sở các vấn đề giảng viên nêu ra trước lớp, chính người học phải chủ động tìm kiếm thông tin thích hợp để giải quyết vấn đề.
Thông tin có thể ở nhiều dạng và từ nhiều nguồn khác nhau (sách, báo, phim, ảnh, từ internet,…). Nói cách khác, chính người học gần như phải tự trang bị cho mình phần “lý thuyết” nhằm có đủ kiến thức để tiếp cận và giải quyết vấn đề. Như vậy, nếu không có tinh thần chủ động, người học sẽ không thu được kết quả học tập tốt nhất.
Lưu ý với những nội dung lý thuyết quan trọng
Khi nói đến vị trí địa lí, hình dạng lãnh thổ của bất cứ châu lục nào trên thế giới, sinh viên cần quan sát Atlat thế giới hoặc bản đồ treo tường, đồng thời kết hợp với nội dung sách giáo trình để thấy được vị trí tiếp giáp của châu lục trên đất liền và trên biển, các điểm cực,… từ đó đưa ra nhận xét về ảnh hưởng của vị trí địa lí đối với các đặc điểm tự nhiên, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của châu lục,…
Khi tìm hiểu về đặc điểm địa hình của châu lục, sinh viên cần sử dụng “Bản đồ tự nhiên thế giới” hoặc “Bản đồ tự nhiên của từng châu lục” để thấy được dạng địa hình nào là chủ yếu của châu lục, sự phân bố các dạng địa hình, mức độ chia cắt của địa hình, ảnh hưởng của địa hình đến sự hình thành các đặc điểm tự nhiên, các đặc điểm khí hậu,….
Khi nghiên cứu về nguồn tài nguyên khoáng sản của châu lục, cần xác định trên “Bản đồ khoáng sản thế giới” để thấy được các loại khoáng sản chủ yếu của từng châu lục, sự phân bố của chúng trong không gian, đặc điểm về trữ lượng, giá trị về mặt kinh tế cũng như tác động của việc khai thác khoáng sản đến môi trường xung quanh…
Khi nói đến khí hậu của châu lục: Trước hết, sinh viên cần chỉ ra được những nhân tố ảnh hưởng, từ đó rút ra kiểu khí hậu của châu lục, các đặc điểm khí hậu. Với kiểu khí hậu như vậy, châu lục đó có những đặc điểm gì về tự nhiên (thực vật – động vật), về sự phát triển kinh tế - xã hội,…
Bên cạnh đó, để thấy được sự khác biệt về khí hậu giữa các địa điểm của châu lục, sinh viên cần rèn luyện cho mình kỹ năng vẽ biểu đồ thể hiện nhiệt độ, lượng mưa của các địa điểm khác nhau, từ đó rút ra nhận xét và giải thích tại sao chúng lại có sự khác biệt như vậy.
Với nội dung đặc điểm sông ngòi và hồ: Trên cơ sở nghiên cứu nội dung sách giáo trình kết hợp với bản đồ tự nhiên thế giới, sinh viên cần nêu được các sông và hồ lớn của châu lục, sự phân bố của chúng, hướng dòng chảy, trữ lượng dòng chảy, giá trị về mặt kinh tế (giao thông, thủy điện, nuôi trồng thủy sản,…). Cần sử dụng bản đồ câm để điền tên các con sông lớn, các hồ của các châu lục trên thế giới.
Khi học phần dân cư và sự phát triển kinh tế - xã hội, cần chú ý đến việc phân tích và xử lý các số liệu, các bảng biểu thống kê để thấy được trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước trong châu lục, sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước và nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này.
Đối với phần thực hành
Bên cạnh phần kiến thức lý thuyết, trong mỗi chương còn có các lược đồ, biểu đồ, các bài tập thực hành, các câu hỏi và bài tập ôn tập cuối chương.
Chính vì vậy, sau các tiết học trên lớp, sinh viên cần làm các bài tập thực hành trong sách giáo trình để củng cố lại phần kiến thức lý thuyết đã học, đồng thời rèn luyện cho mình kỹ năng vẽ bản đồ thể hiện các đối tượng địa lí đã học.
Ví dụ: Sau khi học xong phần “Vị trí địa lí và hình dạng lãnh thổ” châu Phi, các bạn có thể làm một bài thực hành như sau:
Vẽ nhanh bản đồ khung châu Phi (có thể vẽ bằng phương pháp hình học hoặc phương pháp ô vuông).
Xác định và ghi vào bản đồ trống tên các mũi cực Bắc, cực Nam, cực Đông, cực Tây của châu lục.
Xác định và ghi vào bản đồ tên các biển, vịnh biển, các đảo và quần đảo xung quanh châu Phi.
Trong quá trình vẽ bản đồ, biểu đồ cần lựa chọn phương pháp vẽ thích hợp và ghi nhớ các địa danh một cách khoa học (không nên ghi nhớ các địa danh một cách máy móc vì các bạn sẽ mau quên sau khi học xong môn học).
Ngoài ra, sinh viên cần đọc và ghi chép các tư liệu có liên quan đến môn học có trên sách, báo chí, phim ảnh,… để có vốn hiểu biết thực tế phong phú, phục vụ tốt nhất cho việc giảng dạy sau này ở trường phổ thông.
Bởi kiến thức của học phần này rất rộng, liên quan đến nhiều châu lục và nhiều nước trên thế giới nên sách giáo trình không thể đề cập chi tiết và kịp thời được.
Nếu làm tốt điều này, kiến thức sinh viên có được rất mới mẻ và sẽ giúp ích rất nhiều trong việc học tập cũng như trong quá trình giảng dạy, tránh được tình trạng lạc hậu về kiến thức môn học.