Kinh nghiệm đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín

GD&TĐ - Một công trình có thể được công bố trong một tạp chí có giá trị phải thỏa mãn các điều kiện cần như sau:

Kinh nghiệm đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín

- Công trình phải liên quan đến phạm vi nghiên cứu của tạp chí

- Các kết quả có tầm quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu

- Những bàn luận và kết luận phải dựa trên những dữ liệu được đưa ra

- Công trinh có một nội dung hợp lý

- Các công trình lien quan phải được trích dẫn thích hợp và rõ ràng

- Các phương trình, các hình vẽ, bảng … phải thật sự đóng góp cho việc trình bầy sang sủa các kết quả nghiên cứu

- Bản thảo phải được viết cẩn thận, nhất là về văn phạm tiếng Anh (khi gửi đến các tạp chí trong Danh sách Philadelphia) và có bố cục logic

Một công trình viết tốt có bố cục rõ ràng tạo điều kiện cho các phản biện (reviewer hay referee, người “trọng tài” cho việc công trình được đăng hay không) hiểu được công trình của bạn và đánh giá được tầm quan trọng của nó. Cần phải tham khảo những chỉ dẫn có trên trang web của tạp chí.Thông thường, một công trình có một bố cục chuẩn như sau:

+ Tiêu đề (Title): Là một mô tả ngắn gọn, chính xác với lượng thông tin cao nhất vấn đề mà bài viết đề cập tới.

+ Tóm tắt nội dung (Abstract): gồm vấn đề được đề cập và mục đích nghiên cứu, phương pháp luận được dùng, những kết quả chính và những kết luận, cùng với các hệ quả thu được cho các vấn đề khoa học rộng hơn. Cần lưu ý là các tạp chí thường có các đòi hỏi riêng về độ dài cũng như cách viết phần tóm tắt nội dung này.

+ Mở đầu (Introduction): Đưa ra vấn đề được nghiên cứu, tổng quan các khái niệm cơ sở và các tài liệu tham khảo lien quan. Nêu rõ các phát triển mới và các kết quả chính, mục đích nghiên cứu và phương pháp luận được trình bầy đầy đủ và xúc tích.

+ Phần thân bài chính (Main Body of paper): Vấn đề được nghiên cứu cùng các giả thiết và các giới hạn. Lý thuyết và thực nghiêm giải quyết vấn đề, bao gồm phân tích, dẫn dắt và tìm lời giải. Các kết quả nghiên cứu lý thuyết hoặc thực nghiệm, có lúc cả lý thuyết lẫn thực nghiệm lien quan đến vấn đề đặt ra.

+ Thảo luận (Discussion): Thảo luận các kết quả và nêu rõ chúng được đánh giá thế nào trên quan điểm rộng hơn về vấn đề được nghiên cứu. So sánh các kết quả với các công trình lien quan khác, từ đó vạch rõ tầm quan trọng của các kết quả của mình.

+ Kết luận (Conclusion): Tổng kết thông tin chính của bài viết (không thêm nội dung), phát biểu các kết luận riêng và các vấn đề liên quan đến các nghiên cứu sau này.

+ Cảm ơn (Acknowledgments): Về các giúp đỡ về mặt kỹ thuật cũng như các bàn luận có ích (của các đòng nghiệp, các phản biện…), hộ trợ về tài chính và những đóng góp khác cho việc thực hiện công trình.

+ Các tài liệu tham khảo (References): Được liệt kê theo trình tự xuất hiện trong bài, tuân theo sự chỉ dẫn của tạp chí. Có những chương trình quản lý trích dẫn rất bổ ích như EndNote&Bibtex.

+ Các phụ lục (Appendices): Những nội dung hỗ trợ mà nếu đưa vào bài chính sẽ làm lu mờ mạch trình bày logic của bài báo, nhất là chúng có thể bỏ qua khi theo dõi vấn đề, nhưng lại vẫn bổ ích cho những nhà chuyên môn muốn nghiên cứu sâu hơn.

Cần ghi nhớ không được gửi đồng thời một bài báo đến hai (hay nhiều hơn) tạp chí, không được “cóp” nguyên xi (plagiarism – đạo văn) các đoạn viết của người khác và ngay cả của chính mình trong các công trình trước, trừ khi trích dẫn là cần thiết thì phải nêu rõ nguồn trích dẫn, không được bịa đặt các dữ liệu. Các hình vẽ dùng của người khác phải có sự cho phép của tác giả cũng như Nhà xuất bản. Đây là những nguyên tắc đạo đức mà mỗi nhà khoa học phải tuân thủ. Chỉ cần một lần mắc lỗi, “tội nhân” có thể sẽ bị ghi vào danh sách đen mà mọi tạp chí có tên tuổi đều cập nhất được, là tiền đề cho sự từ chối in các công trình tiếp theo.

Nhiều khi ngay cả các kết quả nghiên cứu có giá trị nhất, nếu không đăng đúng chỗ thì có thể bị đánh giá thấp, thậm chí có thể bị lãng quên. Nơi công bố tốt nhất là những tạp chí có hệ số ảnh hưởng IF cao.

Để đăng được trong những tạp chí đó, khi viết bài cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc không thể thiếu được về đạo lý cũng như văn phạm của nhà nghiên cứu, đặc biệt phải tích cực công bố trong các tạp chí dùng tiếng Anh trong Danh sách Philadelphia.

Ở đây ta phải khẳng định vai trò then chốt của tiếng Anh, điều mà gần đây đã được các cấp lãnh đạo nhấn mạnh trong chỉ đạo phát triển nghiên cứu ở các trường đại học, kể cả những trường về lĩnh vực văn hóa- nghệ thuật.
Theo http://huc.edu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ