Chúng cần một bà mẹ nghiêm khắc - người yêu các con mình nhiều đến nỗi không thể dịu dàng với chúng ngay bây giờ.
Chúng ta muốn thế giới đang sống phải hoàn toàn vô hại với trẻ nhưng đây mới là điều trở ngại: thế giới sẽ không vô hại mãi mãi. Và một ngày nào đó, bọn trẻ sẽ phải sống trong thế giới đó. Vì thế tôi phải đặt câu hỏi: Liệu cái nào tốt hơn: làm thế giới trở nên vô hại với trẻ hay giúp con cái thích nghi được với thế giới?
Nếu chúng ta quyết định giúp con cái mình có đủ khả năng đối phó và chế ngự thế giới, chúng ta nên làm gì? Hãy dạy con kĩ năng sống.
Dưới đây là những kĩ năng mà tôi nghĩ mọi đứa trẻ đều cần học:
Nấu ăn
Nhờ bố mẹ tôi, tôi mới biết nấu nướng và đúng ra là tôi mới thích thú với nhiệm vụ bố mẹ giao và hiểu tầm quan trọng của việc nấu ăn. Còn khá nhiều kĩ năng tôi học hỏi được như: rửa rau xanh rồi rưới nước sốt lên salad, làm sandwich, quấy đều lên sốt để nó không bị dính dưới đáy chảo, tách hạt ngô, đập trứng,...
Không cần để tâm quá nhiều vào việc làm thế nào để có món ăn ngon lành nhất, đơn giản là dạy con cách nấu món ăn đó, để chúng hiểu được cảm giác tuyệt vời ra sao khi biết rõ chừng nào món thịt viên mới chuyển sang màu nâu đúng chuẩn và sẵn sàng được nhúng vào nước sốt đang sôi, và cảm giác tuyệt vời ra sao khi biết ở đâu bán món sushi ngon nhất, nếu đó là món ăn bạn thích.
Làm việc nhà
Khi bạn dạy con cách đánh sạch mảng bám trong bồn cầu mà nó đã sử dụng suốt cả tuần , có nghĩa là bạn đã trao nó sức mạnh. Việc dọn dẹp nhà cửa không làm hạ phẩm giá của ai hết và nó cũng không nên trở thành công việc xa lạ với bọn trẻ hoặc là thứ làm hạ thấp giá trị của chúng. Trái lại, làm việc nhà khiến trẻ sống có trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác, tự tin và trưởng thành hơn.
Làm việc nhà khiến trẻ sống có trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác, tự tin và trưởng thành hơn. (Ảnh minh họa)
Làm vườn
Ngày nay, ai còn quan tâm chuyện liệu con cái của bạn, hoặc của tôi có biết cách dọn cỏ, xúc tuyết, chạy động cơ,... hay không cơ chứ. Nhưng đây là chuyện về năng lực của con và là chuyện về niềm tự hào nó sở hữu.
Hồi trước tôi có một cái bể bơi ở sân sau, một thời gian cha tôi gần như phải tự làm toàn bộ công việc bảo dưỡng bể bơi chán ngắt đó: kiểm tra thành phần hóa học của nước, vệ sinh bể bơi, làm sạch mặt nước... Nhưng ngay khi tôi bước sang tuổi dậy thì, tôi trở thành người phải làm công việc ấy. Lúc đầu tôi chẳng hề thích. Mà không, tôi chẳng bao giờ thích nó.
Nhưng sự thật là tôi biết hệ thống đường ống và lọc nước hoạt động như thế nào. Tôi biết cách xử lí clo trong nước bể sao cho an toàn. Tôi có thể vớt một con ếch chết cứng ra khỏi hộp hút bụi mà không cho đi tong bữa sáng vừa nạp của mình. Đó chính là niềm kiêu hãnh.
Đánh giá mức độ an toàn một cách tương đối
Đây cũng là một kĩ năng sao? Đúng vậy, nó đúng là một kĩ năng đấy. Nếu bạn luôn biến những khu vui chơi của trẻ trở thành bong bóng an toàn bao bọc con cái – tất cả đều có tường chắn bao bọc xung quanh và lát sàn bằng lốp xe tái chế - nếu bạn luôn che chở chúng ở sân chơi, sẽ rất khó cho chúng để nhận biết cái nào thực sự an toàn và cái nào kém an toàn hơn.
Một đứa trẻ mới biết đi sẽ đưa mắt nhìn bạn trước khi trượt xuống đường ống quanh co vào lần đầu tiên (hầu hết trẻ con đều làm vậy) để xin bạn cái gật đầu đồng ý. Nhưng sẽ thế nào khi chúng lên mười tuổi mà vẫn ngoái đầu lại để luận ra từ gương mặt lo lắng của cha mẹ thông điệp rằng liệu sang đường có an toàn không? Bạn phải dạy chúng rằng: Con có thể trèo loại cây đó, nhưng cái hàng rào bị nứt vỡ bê tông ở phía xa kia thì chẳng phải là một chỗ leo trèo tốt.
Nói chuyện với người lạ
Tôi đã nói với bọn trẻ thế này: Nếu bị lạc, con hãy nói với ai đó trông đáng mến và tốt bụng . Con hãy đi vào trong cửa hàng và nhờ người bán hàng giúp đỡ. Nếu trên bãi biển, hãy tìm người cứu hộ hoặc đơn giản là hỏi bất cứ ai con gặp... Bởi 99,999999 phần trăm những con người thân mến ngoài kia là người tốt. Đây chính là kĩ năng đặt niềm tin vào con người – hãy dạy chúng điều này.
Theo chia sẻ của tác giả Denise Schipani
(Trích “Những quy tắc mẹ nghiêm khắc dạy con tự lập”)