Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Hương Trà – Giáo viên Trường THCS Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội).
Cô Trà là một trong những gương mặt nhà giáo tiêu biểu của ngành Giáo dục Thủ đô. Cô đã có nhiều năm kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn Giáo dục công dân và đã gặt hái được nhiều thành công tại các kỳ thi học sinh cấp thành phố với môn học này.
Dưới đây là một vài chia sẻ kinh nghiệm của cô trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Giáo dục công dân.
Thành công lớn nhất của môn học này chính là làm cách nào để học sinh biết vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống, trở thành những công dân sống có ích. Cũng thông qua môn học này hình thành trong mỗi học sinh những chuẩn mực về đạo đức, qua đó còn bổ trợ để học tập các môn học khác được tốt hơn …”
Theo cô Trà, trước hết giáo viên phải thu hút các em đến với môn học này một cách tự nhiên. Giáo viên chỉ nên phát huy tính tích cực trong phương pháp học tập của mỗi cá nhân học sinh để từ đó khuyến khích, động viên và có biện pháp điều chỉnh hợp lý.
Kinh nghiệm của cô Trà là: Trước tiên cần củng cố cho học sinh những kiến thức cơ bản nhất trong sách giáo khoa, rồi mới tiến hành nâng cao. Giáo viên có thể dạy theo từng chuyên đề, nội dung cần bám vào “Chuẩn kiến thức kỹ năng”. Tuy nhiên, phần nâng cao phải đảm bảo tính vừa sức với học sinh.
Cô Nguyễn Hương Trà đang soạn giáo án tại nhà |
Để việc bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả tốt nhất, giáo viên cần biên soạn chương trình, nội dung bồi dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết về từng mảng kiến thức. Chú ý rèn luyện các kỹ năng cho học sinh.
Nhất thiết phải bồi dưỡng theo quy trình từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để các em học sinh bắt nhịp dần dần. Cũng cần phải xác định rõ trọng tâm kiến thức giảng dạy cho từng khối lớp để tránh trùng lặp.
Hướng dẫn học sinh cách lập đề cương, rèn phương pháp tự học, tự nghiên cứu tài liệu, cách sưu tầm các thông tin, tư liệu hữu ích phục vụ học tập. Đồng thời thường xuyên quan tâm động viên khích lệ tinh thần học tập của học sinh.
Trong quá trình dạy bồi dưỡng giáo viên có thể cùng tham gia học bài với với học sinh để tránh căng thẳng cho các em. Thông qua đó giáo viên sẽ biết được học sinh nắm bắt kiến thức ở mức độ nào, điểm mạnh, điểm yếu của từng em, đồng thời cũng lắng nghe những khó khăn, vướng mắc mà các em đang gặp phải để có biện pháp tháo gỡ.