Kinh ngạc, xác người còn nguyên vẹn suốt 2.200 năm

GD&TĐ - Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được tổng cộng 6 xác người muối có niên đại khoảng 2.200 năm trước. Điều đặc biệt là các thi thể này nguyên vẹn đến mức hoàn hảo.

Kinh ngạc, xác người còn nguyên vẹn suốt 2.200 năm
Chehrabad là một mỏ muối ngầm khổng lồ nằm ở phía Tây thành phố Zanjan, miền Bắc đất nước Iran. Khu mỏ này đã được con người phát hiện và khai thác từ hàng ngàn năm trước để cung cấp cho cư dân của cả một vùng rộng lớn không giáp biển, và trữ lượng của nó mãi cho đến ngày nay vẫn chưa hề suy giảm.
Trong một lần khai thác muối ngầm vào năm 1994, các thợ mỏ phát hiện một thủ cấp người. Mặc dù phần thân xác người này có từ thời tiền sử, tuy nhiên, chính lượng muối khô ở đây đã bảo quản nó một cách hoàn hảo, đến mức ngay cả khuyên tai vàng cũng giữ nguyên màu sắc vốn có. Ngoài ra, phần tóc và ria mép của thủ cấp cũng không hề phân hóa.
Phần thủ cấp và chân người được tìm thấy trong hang động muối.
Phần thủ cấp và chân người được tìm thấy trong hang động muối.
 Sau khi tiến hành khai quật khu vực này sâu hơn với hy vọng tìm kiếm đủ thân xác, các nhà khảo cổ phát hiện thêm một chân đi giày da còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó, còn có 3 dao sắt, một bộ quần áo len, một cây kim bạc, một sợi dây, một phần dây da, đá mài, quả óc chó, một số mảnh gốm, vải dệt và vài khúc xương gãy.
Năm 2004, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện thêm một thi thể khác cũng tại đây. Đến lúc này, họ mới chính thức tiến hành một cuộc khai quật có quy mô. Tiếp đến là một xác ướp khác vào năm 2005 rồi một năm sau là xác ướp của một cậu thiếu niên vào năm 2006. Lần lượt có đến 6 xác ướp đã được phát hiện tại các hầm muối nơi đây. 
Tất cả các “người muối” đều có niên đại khoảng 2.200 năm trước, thời điểm trị vì của Đế quốc Ba Tư đầu tiên, Achaemenids. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ, tất cả những xác ướp đều là nạn nhân của chính mỏ muối mặn này.
Nhờ việc các xác ướp và đồ dùng được bảo quản tốt, các nhà khoa học dễ dàng hơn trong việc tiến hành nghiên cứu. Điển hình là việc họ phát hiện bên trong cơ thể một xác ướp có trứng sán dây ký sinh, chứng tỏ người này từng ăn thịt sống. Đây được coi là trường hợp đầu tiên phát hiện ký sinh trùng đường ruột ở Iran cổ đại cũng như trong khu vực. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát hiện trên hốc mắt của người này có một vết nứt, chứng tỏ trước khi chết từng chịu đựng một cú đấm mạnh. 
Liên quan đến những "người muối", một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lại liên tưởng ngoại hình khá kì dị của những “người muối” này với các nhân vật thần thoại cổ xưa. Người ta cho rằng những xác ướp này có thể là nguồn gốc của “thần rừng Satyrs” được miêu tả trong thần thoại của Hy Lạp và La Mã. 
Được biết, 4 xác ướp đầu tiên đã được khai quật và chuyển giao cho Bảo tàng Khảo cổ học Zanjan. Xác ướp thứ 5 do Bảo tàng quốc gia Iran cất giữ. Những xác ướp này hiện vẫn đang được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng tự do.
 Tuy nhiên “người muối” cuối cùng hiện vẫn đang còn nguyên vị, một nửa cơ thể mắc kẹt trong lớp muối kết tinh cứng rắn.
Năm 2008, Bộ Công nghiệp và Khai mỏ Iran đã hủy giấy phép khai thác tại mỏ muối Chehrabad và tuyên bố khu vực này là một trung tâm nghiên cứu khảo cổ học. Hiện nay các hoạt động tìm kiếm khai quật vẫn đang được tiến hành với hi vọng sẽ tìm thấy những “người muối” khác.
Theo Kienthuc.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.