Họ tham dự và tiến hành đại lễ thường thập niên, Olng’esherr (xơi thịt), 3.000 con bò đực và 30.000 con dê, cừu được hiến tế. Đây là dịp ăn uống tưng bừng nhất của bộ lạc này, mừng các anh em trẻ... lên lão.
Lễ ăn thịt Olng’esherr
Maasai là bộ lạc thuộc bộ tộc Nilotic (dân tộc bản địa thung lũng sông Nile). Họ tập trung đông 2 quốc gia khu vực Đông Phi là Kenya (gần 1,2 triệu người) và Tanzania.
Thuở xưa, Maasai là bộ lạc du mục. Họ di chuyển liên tục trên các vùng Bắc, Trung, Nam Kenya và Bắc Tanzania. Theo truyền thuyết của người Maasai, tổ tiên của họ xuất hiện và an cư tại phía Bắc hồ Turkana (Kenya). Vào khoảng thế kỷ XV, người Maasai mới bắt đầu di cư sang phía Nam và tỏa ra khắp Kenya. Từ giữa thế kỷ XVII - XVIII, họ du mục tới Tanzania.
Bắt đầu từ thế kỷ XIX, nhiều nhóm Maasai lựa chọn định cư. Họ chiếm hết khoảng đất rộng từ thung lũng Great Rift đến núi Marsabit và vùng Dodoma của Kenya.
Nửa đầu thế kỷ XX, dân tộc này bị thực dân Anh lấn đất, buộc phải trở lại lối sống du mục cũ. Tuy nhiên, sau khi được giải phóng vào năm 1963, chính phủ Kenya đã khuyến khích và tạo điều kiện cho họ sống yên ổn tại một chỗ.
Sinh kế chủ yếu của người Maasai là chăn nuôi và trồng trọt. Cứ 10 năm một lần, bộ lạc này lại tổ chức đại tiệc thịt Olng’esherr. Năm 2020 rơi đúng chu kỳ của lễ hội này.
Vào 5 ngày gần cuối tháng 9 vừa qua, người Maasai đã tổ chức Olng’esherr từng bừng trên đồi Maparasha thuộc hạt Kajiado của Kenya. Họ thịt 3.000 con bò đực, 30.000 con dê và cừu, đốt những đống than to để nướng thịt.
Ước tính, đại tiệc thịt năm nay đã thu hút 300.000 người Maasai từ khắp Kenya và Tanzania tham dự. So với các thập kỷ trước, lễ hội lần này được tổ chức muộn hơn vì dịch Covid-19. Bình thường, Olng’esherr được tiến hành vào dịp đầu năm.
Dịp... lên lão
Mặc dù mang tên Lễ hội Xơi thịt, Olng’esherr là dịp “lên lão” của cánh đàn ông Maasai. Dân tộc này chia nam giới thành niên vào 2 nhóm tuổi: Ilaitete (trẻ) và Ilpaamu (già).
Cứ sau 1 thập kỷ, họ lại tổ chức Olng’esherr, cho phép cánh thanh - trung niên từ 25 - 35 tuổi “bước vào thế giới người trưởng thành, có địa vị và vai trò xã hội”.
Trong Olng’esherr năm nay, có tất cả 15.000 nam giới Maasai tuổi từ 25 - 35 đã tham dự. “Trước khi tới đây, tôi vẫn bị xem như trẻ con”, Stephen Seriamu Sarbabi (34 tuổi) - nhà kinh doanh gia súc cho biết: “Nhưng sau buổi lễ này, tôi đã rời khỏi lớp thanh niên không địa vị, trở thành người cao tuổi có vị trí. Từ giờ, tôi sẽ phải gánh vác rất nhiều nghĩa vụ trong cộng đồng. Ví dụ như chủ trì một cuộc họp, đưa ra ý kiến mang tính quyết định...”.
Với nam giới Maasai, đời người có 3 đại lễ quan trọng nhất. Đầu tiên là Enkipaata (cắt bao quy đầu), thực hiện ở tuổi vị thành niên. Các cậu bé sẽ được lớp Ilaitete đưa vào bụi rậm, tận tình giáo dục giới tính và lễ nghi trong vài ngày đến vài tuần. Văn hóa ứng xử của người Maasai rất phức tạp và chia theo độ tuổi. Sau khi cắt bao quy đầu, một thiếu niên Maasai sẽ được xem như một thanh niên và phải hành xử đúng mực với độ tuổi của mình.
“Sau Enkipaata, chúng tôi phải tự tin và mạnh mẽ như một chiến binh, sẵn sàng bảo vệ tôn nghiêm cũng như gia đình của mình trong tương lai”, Simon ole Koyie (Maasai) giải thích.
Đại lễ thứ 2 là Eunoto (cạo râu), được tổ chức sau Enkipaata 8 năm. Nó kéo dài suốt 1 tháng với nhiều cuộc diễu hành. Và cuối cùng là Olng’esherr (lên lão).
Đa thê và đa phu
Xã hội Maasai nặng tính chất gia trưởng cực đoan. Tuy nhiên, chỉ đàn ông lớn tuổi (Ilpaamu) mới được phép quyết định mọi sự trong tộc. Người Maasai tôn thờ độc thần Enkai (nhân từ và thù hận).
Họ giải quyết mâu thuẫn giữa các cá nhân trong bộ lạc bằng lời xin lỗi hoặc phạt cống gia súc. Địa vị của nam giới Maasai do... số lượng vật nuôi sở hữu quyết định. Họ phải có từ 50 con bò, dê, cừu trở lên thì mới được tôn kính và tín nhiệm.
Đàn ông Maasai được phép lấy nhiều vợ, nhưng thú vị là phụ nữ Maasai cũng có quyền cưới nhiều chồng. Họ có thể kết hôn với nhiều hơn 1 người cùng độ tuổi, thậm chí được phép tự do lựa chọn bạn đời. Nguyên nhân là vì ngoài số lượng gia súc, địa vị của một nam giới Maasai còn do số lượng con cái quyết định. Họ càng có nhiều con thì càng được cộng đồng coi trọng, đưa lên vị trí cao.
Tuy phụ nữ Maasai được phép quan hệ với nhiều đàn ông, nhưng con của họ chỉ thuộc về người chồng hợp pháp. Bộ lạc này từng thực hành một tục lệ vô cùng đặc biệt gọi là “bỏ giường”. Các đức ông chồng chọn ngày và cho phép vợ qua đêm với nam giới khác, hy vọng có thêm con.
Ngày nay, chế độ đa phu ở người Maasai đã bị xóa bỏ nhưng các chị em lại được trao một đặc quyền khác: Kinh tế. Họ được phép tham gia vào sản xuất, buôn bán và làm giàu, trở thành rường cột gia đình. Một trong các sản phẩm nổi tiếng nhất của phụ nữ Maasai là đồ trang sức thủ công hạt cườm. Họ khéo léo kết những vòng, chuỗi, nhẫn, mũ... bằng hạt cườm vô cùng tinh xảo, đẹp mắt.
Trong Lễ hội Olng’esherr vừa qua, nhiều chị em Maasai đã theo chồng, con trai và người yêu tham dự đại tiệc thịt. Họ tặng các nam giới nhà mình những chiếc khăn choàng, chuỗi hạt cườm rực rỡ, múa hát cổ vũ nhiệt tình.
“Tôi đến đây để chúc mừng và khích lệ con trai tôi”, chị Moses Lepunyo ole Purkei (Maasai) vui vẻ nói. “Bởi vì từ lúc này, thằng bé sẽ bước sang trang mới của cuộc đời, có nhiều nghĩa vụ cũng như đặc quyền trong xã hội”.