Kinh doanh nước sạch: “Miếng bánh” cho doanh nghiệp trong và ngoài nước

GD&TĐ - Sau hàng loạt sự cố liên quan đến việc cung cấp nước sạch sinh hoạt, niềm tin của người dân về nguồn nước bắt đầu lung lay. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình tư nhân hóa nhưng người dân quan tâm tới chất lượng của nguồn nước hơn là đơn vị cung cấp.

Công ty CP Nước sạch sông Đuống đang được đầu tư lớn từ doanh nghiệp nước ngoài?
Công ty CP Nước sạch sông Đuống đang được đầu tư lớn từ doanh nghiệp nước ngoài?

“Miếng bánh ngon” mang tên sông Đuống

Giới truyền thông đưa tin từ Ủy ban chứng khoán Thái Lan cho biết, một doanh nghiệp của Thái Lan đã chi số tiền tương đương khoảng 2 nghìn tỷ đồng để mua 34% cổ phần của Công ty CP Nước mặt sông Đuống.

Theo đó, đầu tháng 8/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan đã được Công ty cổ phần đại chúng điện và nước WHA (WHA) thông báo về việc một công ty con là WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) ký thỏa thuận đầu tư vào một doanh nghiệp tiện ích ở Hà Nội. Ngày 25/10/2019, WHAUP (SG) 2DR PtE.Ltd đã chính thức có báo cáo gửi Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Thái lan thông báo giao dịch đã được hoàn tất.

Theo tìm hiểu, Công ty WHAUP là thành viên Tập đoàn WHA - Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan. Bà Jareeporn Jarukornsakul đang nắm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn này.

Theo báo cáo, Tập đoàn WHA đang nắm giữ 74% cổ phần tại WHAUP và bà Jareeporn Jarukornsakul đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của WHAUP. Bà Jareeporn Jarukornsakul còn được biết đến là nữ tỷ phú người Thái, đứng thứ 37 trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2018 với tài sản ròng vào khoảng 820 triệu USD.

Sau sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu, có vẻ như nước sông Đuống đang “lên ngôi”. Không chỉ có vậy, hiện nay giá của nước sông Đuống cũng đang cao gấp đôi nước sông Đà nhờ những ưu đãi riêng mà Hà Nội dành cho sông Đuống.

Không chỉ có vậy, nước sạch sông Đuống cũng đang nhận được nhiều ưu ái khi UBND TP Hà Nội họp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty Cổ phần VIWACO (đây là các đơn vị mua buôn nước rồi phân phối bán lẻ cho người dân Hà Nội) xem xét điều kiện bù giá nước của sông Đuống.

Tư nhân hoá kinh doanh nước sạch

Thực tế hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất nước sạch để khai thác thị trường hấp dẫn này. Chính thức bước chân vào thị trường nước sạch từ năm 2017, Công ty CP Nhựa Đồng Nai (DNP) là công ty tư nhân đầu tiên được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cung cấp khoản vay hơn 24 triệu USD để đầu tư vào ngành nước.

Các đơn vị thành viên DNP đã triển khai song song hai dự án nhà máy nước có tổng công suất 160.000 m3/ngày đêm tại Bắc Giang và Long An. DNP còn tiếp nhận thêm ba đơn vị thành viên, gồm Công ty Nước sạch 3 Hà Nội, Công ty Cấp thoát nước Bình Thuận và Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) cũng đã đầu tư vào 7 công ty sản xuất nước sạch, chủ yếu phục vụ cho khu vực TPHCM. Mới đây, REE chào mua công khai gần 5,5 triệu cổ phiếu Công ty CP Cấp nước Khánh Hoà để tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, tiếp tục tham gia sâu hơn vào mảng nước.

Mới đây nhất, ngày 30/10, một doanh nghiệp Hàn Quốc (Gyeongju) cũng ký kết chuyển giao công nghệ xử lý nước thải giữa thành phố này với Tập đoàn Sơn Hà. Theo thỏa thuận, Gyeongju sẽ hỗ trợ đội ngũ chuyên gia để cùng tập đoàn này thành lập Viện Nghiên cứu ngành nước và Trung tâm Nghiên cứu phát triển nước thải và nước sạch tại Hà Nội.

Cơ hội và thách thức

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100%. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước.

Hiện có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia của Oman và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy Nước Sông Hậu phục vụ cho địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2017. Công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) thông qua việc mua cổ phần của Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) đầu tư gián tiếp vào ngành nước sạch Việt Nam…

Doanh nghiệp đầu tư nhiều nhưng chất lượng nước là vấn đề cần được trú trọng nhiều hơn. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nước ngầm chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị tại Việt Nam, nhưng ở một số khu vực đã và đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm, với thông số kim loại nặng như chì, asen, mangan vượt quy chuẩn…

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, chị Nguyễn Thị Tuyết (trú tại HH1B Linh Đàm) chia sẻ: “Sự cố nước sông Đà nhiễm dầu đã khiến cư dân lo ngại về độ an toàn của nguồn nước. Doanh nghiệp hay Nhà nước cung cấp nước cũng được nhưng chúng tôi cần sự bảo đảm về chất lượng nước”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ