Kinh doanh đời tư sẽ phá sản tên tuổi

GD&TĐ - Cùng với sự nở rộ các game show trên truyền hình, bí mật riêng tư của giới nghệ sĩ cũng được khai thác tối đa. Khi nhu cầu tò mò ở một bộ phận khán giả được đáp ứng triệt để, thì bộ mặt showbiz càng trở nên nhem nhuốc hơn. Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi đã có những chia sẻ xung quanh hiện tượng bất thường này trong đời sống văn hóa.

Kinh doanh đời tư sẽ phá sản tên tuổi

Thưa Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi, chị có danh hiệu Á hậu Việt Nam từ năm 1994, và bước chân vào showbiz Việt gần ¼ thế kỷ. Điều gì khiến chị băn khoăn nhất?

- Sự rẻ rúng nghề nghiệp của giới nghệ sĩ là điều khiến tôi ái ngại nhất. Cuộc chen lấn và giành giật danh lợi khiến nhiều người không còn làm chủ được bản thân. Ai cũng muốn vươn lên bằng mọi thủ đoạn, nhưng ít người chịu rèn luyện chuyên môn. Và kết quả là những scandal liên tục xảy ra.

Phải chăng xu hướng đáng ái ngại nhất là nghệ sĩ đem chuyện riêng tư ra kể lể công khai, như một phương pháp đánh bóng tên tuổi…

- Nhiều người cho rằng, họ cần trải lòng để được chia sẻ. Khi những chuyện thầm kín nhất, tưởng chỉ nên “sống để dạ chết mang theo” được phơi bày trước khán giả, thì sự hứng thú thì ít mà sự bẽ bàng thì nhiều. Tôi tôn trọng sở thích mà nhiều người gắn mác “tự thú”, nhưng tôi sợ hãi trước thái độ rao bán quá khứ một cách táo tợn và ồn ào.

Bây giờ đang thời nhà nhà làm nghệ sĩ, nếu không có món ngon thì đành phải dùng… món lạ?

- Đối với tôi, dù là người của công chúng thì cũng cần những góc riêng tư. Không phải điều gì cũng đem ra mua vui cho thiên hạ. Tôi không trách móc cũng không dèm pha những nghệ sĩ thích xuất hiện trên truyền thông bằng những “kỷ niệm gây sốc”, nhưng tôi tin kinh doanh đời tư sẽ phá sản tên tuổi thôi!

Hết diễn viên Lê Giang kể tội chồng cũ hành hung, lại đến ca sĩ Phan Ngọc Luân tỉ tê “đã ngủ chung giường hơi quá bình thường” với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Cách làm sôi sục dư luận ấy có chút gì hơi lố bịch…

- Nam ca sĩ nọ lại đi hé lộ từng ngủ chung giường với nam ca sĩ kia, như một cách thức thu hút công chúng, thì quả thật khiến tôi giật mình. Tuy nhiên, là người trong nghề, tôi cũng băn khoăn về tiêu chí xử lý thông tin của giới báo chí nữa. Có không ít cuộc phỏng vấn cố tình bới móc đời tư rồi dàn dựng lại theo ý đồ riêng cũng làm vẩn đục thêm không khí sinh hoạt văn nghệ lành mạnh.

Nếu nghệ sĩ không hứng thú với chiêu trò tạo scandal thì chưa chắc đã có những talk show kinh dị?

- Đúng, lỗi trước hết vẫn thuộc giới nghệ sĩ. Nhất là nghệ sĩ trẻ hiện nay, họ hơi sốt ruột với danh vọng nên luôn sẵn sàng bước qua mọi giới hạn đạo đức nghề nghiệp. Chia sẻ câu chuyện của cá nhân thì cũng chấp nhận được, nhưng những gì nói ra ảnh hưởng đến người khác thì ngược ngạo quá, tăm tối quá. Nhân danh “bộc bạch” để làm ô nhiễm môi trường xung quanh, chỉ chuốc lấy sự ê chề. Bởi lẽ, khán giả cũng không thích thú gì với quan hệ úp mở mang yếu tố mờ ám trong giới nghệ sĩ.

Những chương trình talk show có cái tên rất hoành tráng như “Sau ánh hào quang”, nhưng ngoài những thị phi khó phân định lại không thấy… hào quang đâu cả, thì liệu có ích gì cho công chúng không?

- Tôi đã khước từ nhiều lời mời từ những chương trình vô bổ như vậy. Hay ho gì khi đem những hồi ức dĩ vãng để phô diễn trước đám đông. Thậm chí, có không ít câu chuyện được thêm mắm thêm muối khác xa với sự thật nữa đấy!

Khi bị ca sĩ Phan Ngọc Luân kiếm chuyện làm quà trong talk show “Một giờ kể hết”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã nhắn nhủ đồng nghiệp mà mình từng dìu dắt: “Em đã mù quáng và tin rằng những thứ bẩn thỉu này sẽ giúp em nổi tiếng và sản phẩm của em được người ta lao vào xem thử Phan Ngọc Luân là ai mà dễ sợ như vậy…”. Phải chăng, nghệ sĩ trẻ đinh ninh chỉ có scandal mới có thể giúp họ nổi tiếng?

- Đó là thái độ lệch lạc. Nghệ thuật là một con đường chông gai, muốn có thành tựu phải có trau dồi và cống hiến, chứ không thể trông cậy vào những yếu tố hậu trường. Tôi vẫn nhắc nhở các bạn trẻ đang cộng tác với Sân khấu TKC của tôi, rằng: “Tất cả những tiểu xảo chỉ là lửa rơm, không thể nào giữ được tình cảm ấm áp trong trái tim công chúng!”.

Sân khấu TKC của chị từng đưa lên sàn diễn nhiều vở kịch phản ánh mặt trái trong đời sống văn hóa như “Hoa hậu ao làng”, “Game ơi là show” hoặc “Phim trường đại chiến”. Liệu những thị phi kinh doanh đời tư có được khái quát hóa thành một tác phẩm mới của chị?

- Tôi cũng đang ấp ủ dự định như vậy. Nghệ sĩ muốn làm đẹp cho đời thì trước hết phải biết phản ứng trước những thói hư tật xấu trong giới showbiz. Tôi nghĩ, làm một vở kịch về vấn nạn kinh doanh đời tư của nghệ sĩ cũng là sự cảnh tỉnh nghiêm túc và cần thiết!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ