Kim chỉ nam cho giáo dục tiểu học ở Tây Nguyên

GD&TĐ - Trong các năm học qua, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, chất lượng học tập và hiệu quả giáo dục đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có chuyển biến tích cực.

Cần có giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học
Cần có giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học

Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của công cuộc thực hiện đổi mới, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần có những giải pháp căn cơ hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, từng bước rút ngắn sự chênh lệch về khoảng cách chất lượng đối với vùng thuận lợi và tiệm cận dần các chỉ số phát triển với các khu vực khác trên toàn quốc.

Nhìn thẳng vào thực tế

Hiện nay, hệ thống mạng lưới trường, lớp được mở rộng đến tất cả các xã, phường, thị trấn, đến điểm lẻ tại các thôn/làng/buôn, về cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các DTTS trên địa bàn các tỉnh trong vùng. Đồng thời, trong vài năm gần đây, nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học ở các xã đặc biệt khó khăn được thành lập và mở rộng, nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc trên địa bàn các tỉnh học tập.

Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT quy định, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Thực hiện giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục điều chỉnh chương trình, nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học và phù hợp với đối tượng học sinh từng vùng, nhất là học sinh DTTS.

Trong vài năm học gần đây, các tỉnh trong khu vực đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học từng bước tiếp cận, lựa chọn và triển khai có hiệu quả các thành tố tích cực của các mô hình giáo dục tiên tiến, những phương pháp dạy học tích cực cũng như tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn kĩ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh…

Tăng cường công tác truyền thông về các hoạt động của ngành GD nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng, nhất là gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến của cấp học để khích lệ các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh phấn đấu, vươn lên; để cán bộ quản lý, giáo viên được trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

 
Thầy Nguyễn Trọng Thắng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum

Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của công cuộc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, hiện nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên gặp phải không ít khó khăn trong việc đề ra các giải pháp nâng cao giáo dục, nhất là đối với giáo dục tiểu học.

Xét về tổng thể, nhiều nơi số lượng phòng học về cơ bản là đủ, nhưng số phòng học chưa đạt chuẩn, phòng học cấp 4 cả vùng tỉ lệ còn cao, có 19,7% phòng học chưa đạt chuẩn, 5,08% phòng học tạm (trong khi đó bình quân chung toàn quốc, số phòng học chưa đạt chuẩn tỉ lệ là 10,7%, phòng học tạm, tỉ lệ là 3,7%).

Số lượng phòng học chưa đủ học một ca nên số học sinh được học 2 buổi/ngày tỉ lệ còn thấp. Bình quân chung cả vùng tỉ lệ là 61,14% (toàn quốc tỉ lệ chung là 71,19%). Cụ thể đối với tỉnh Đắk Lắk: 74,33%; Lâm Đồng: 71,1%; Gia Lai: 59,12%; Đắk Nông: 51,18%; Kon Tum: 50,1%. Nhiều trường tiểu học còn thiếu thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học, thư viện, các phòng chức năng, phòng đa năng, phòng máy học Tin học, tiếng Anh. Nhiều công trình vệ sinh chưa có, hoặc xuống cấp, còn tạm bợ. Các nguồn nước sạch nhiều trường chưa có, hoặc còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu.

Học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 43,3%
  • Học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 43,3%

Tìm giải pháp căn cơ

Để giáo dục tiểu học ở vùng Tây Nguyên phát triển bền vững, đáp ứng đúng mục tiêu của cấp học; đồng thời thực hiện đảm bảo mục tiêu Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, theo thầy Nguyễn Trọng Thắng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, trong thời gian tới, từng tỉnh trong vùng tiến hành rà soát, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục tiểu học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân đồng bào các dân tộc của cả vùng.

Học sinh dân tộc thiểu số các tỉnh vùng Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều khó khăn
  • Học sinh dân tộc thiểu số các tỉnh vùng Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều khó khăn

Bên cạnh việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần tạo điều kiện để các nhà giáo, cán bộ quản lý ở vùng này có nhà công vụ. Có chính sách của địa phương trong việc ưu tiên cấp đất làm nhà, đất sản xuất để giáo viên an tâm, bám trụ lâu dài tại địa phương nơi công tác.

Từng địa phương cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp trong việc nâng cao chất lượng học tập đối với học sinh DTTS bằng nhiều các giải pháp như: Điều chỉnh nội dung, chương trình dạy học, phù hợp với đối tượng học sinh; thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Thực hiện chương trình tăng thời lượng môn Tiếng Việt; thường xuyên khảo sát, phân loại về kiến thức và kĩ năng của học sinh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch dạy học giãn tiết, dạy phụ đạo, dạy tăng cường đối với học sinh chưa đảm bảo kiến thức, kĩ năng. Quan tâm xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh ở lớp, ở trường, ở cộng đồng; chú trọng các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thực tiễn để gắn học với hành, kiến thức sách vở với thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.