Cơ bản đạt mục tiêu xóa mù chữ đến năm 2020

Lớp học xóa mù chữ tại bản Giáp Gát (xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Ảnh: Dân trí
Lớp học xóa mù chữ tại bản Giáp Gát (xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An). Ảnh: Dân trí

Đánh giá kết quả xóa mù chữ và phổ cập giáo dục từ năm 2013-2018, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”.

Nhiều địa phương đã thực hiện những giải pháp vận động người lớn tuổi học các lớp xóa mù chữ, với sự phối hợp của nhiều lực lượng xã hội. Vì vậy, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 80,3% đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Tỷ lệ người biết chữ ở các độ tuổi (15-35 và 15-60) giai đoạn 2013-2017. Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục thường xuyên, 2018
Tỷ lệ người biết chữ ở các độ tuổi (15-35 và 15-60) giai đoạn 2013-2017. Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục thường xuyên, 2018

Theo báo cáo của các sở GD&ĐT, hiện nay tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,65%, đến nay cơ bản đạt được mục tiêu (mục tiêu Đề án XMC đến năm 2020 đạt 98%), trong đó: số người biết chữ trong độ tuổi 15-35 chiếm tỉ lệ 98,92%; số người biết chữ trong độ tuổi từ 36-60 chiếm tỷ lệ 96,2%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15-60 là 93,44%. Có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ.

Mỗi năm huy động khoảng 30.000 người tham gia học xóa mù chữ

Giai đoạn 2013-2018, trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30.000 người mù chữ từ 15-60 tuổi tham gia học các lớp xóa mù chữ (từ lớp 1 đến lớp 3); huy động được 25.000 người đã được công nhận biết chữ (học hết lớp 3) và những người đang học dở lớp 4, lớp 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (từ lớp 4 đến lớp 5).

Hằng năm, có khoảng 18 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng nhằm duy trì, củng cố kết quả XMC.

Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững và nâng cao, 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Chất lượng phổ cập giáo dục THCS được duy trì bền vững, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, trong đó một số tỉnh đạt chuẩn THCS mức độ 2 và 3. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục.

Bộ GD&ĐT cho biết thêm: Năm 2017, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi,  63/63 tỉnh, thành đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Việc thực hiện thành công các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng phổ cập ngày càng được nâng cao.

Việc dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. Hiện tại đang triển khai dạy và học 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số: Tiếng Mông, Chăm, Khơ Me, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Thái ở 23 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ