Kiev bất ngờ rút khỏi đàm phán thỏa thuận Biển Đen

GD&TĐ - Reuters ngày 16/4/2024 đưa tin, vào phút chót, Ukraine bất ngờ rút khỏi đàm phán thỏa thuận Biển Đen với Nga.

Tàu chở hàng Joseph Schulte của Ukraine trên Biển Đen, ngày 18/8/2023
Tàu chở hàng Joseph Schulte của Ukraine trên Biển Đen, ngày 18/8/2023

“Nga và Ukraine gần như đã đạt được một thỏa thuận vận chuyển hàng hải mới trên Biển Đen vào tháng 3/2024 sau hai tháng đàm phán, chỉ để rồi Kiev đột ngột từ bỏ”, Reuters ngày 15/4/2024 trích dẫn các nguồn tin giấu tên quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Tuyến đường vận chuyển hàng hóa đã không có thỏa thuận chính thức kể từ tháng 7/2023, khi Moscow từ chối gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen lần đầu tiên vào tháng 8/2023 do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian ban đầu.

Nga cho rằng, Mỹ và EU đã không giữ đúng cam kết trong thỏa thuận, ngăn chặn xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.

Theo nguồn tin của Reuters, các cuộc đàm phán gần đây do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian theo sự thúc đẩy của LHQ, và một thỏa thuận dự kiến nhằm “đảm bảo an toàn cho hoạt động vận tải thương mại ở Biển Đen” đã đạt được vào tháng 3/2024.

Các nguồn tin cho biết, Kiev đã đồng ý rằng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể công bố thỏa thuận dự kiến này một ngày trước cuộc bầu cử địa phương ngày 31/3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hiệp ước sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi được công bố.

“Vào phút cuối, Ukraine bất ngờ rút lui và thỏa thuận bị phá vỡ”, nguồn tin tiết lộ.

Theo dự thảo mà Reuters được xem, Ankara đã làm trung gian cho các thỏa thuận giữa Moscow và Kiev “về việc đảm bảo hoạt động đi lại tự do và an toàn cho các tàu thương mại ở Biển Đen”, tuân thủ các công ước hàng hải.

Các bảo đảm sẽ không áp dụng đối với “tàu chiến, tàu dân sự chở hàng hóa quân sự”, trừ khi được tất cả các bên đồng ý, bản sao của tài liệu nêu rõ.

Theo dự thảo thỏa thuận, cả Nga và Ukraine đều phải đưa ra các đảm bảo an ninh cho các tàu thương mại ở Biển Đen, cam kết không tấn công, bắt giữ hoặc khám xét chúng, miễn là chúng không chở hàng hoặc khai báo là hàng hóa phi quân sự.

Lý do khiến Kiev rút lui chưa rõ ràng, nhưng Tổng thống Vladimir Zelensky cáo buộc Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc trong thỏa thuận ban đầu, qua đó khiến các quốc gia dễ bị tổn thương gặp rủi ro.

Phát biểu với các phóng viên hồi đầu năm 2024, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phủ nhận việc Moscow từng tấn công tàu Ukraine ở Biển Đen trong thời gian thỏa thuận ngũ cốc.

“Một trong những lý do khiến Moscow không quay trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là việc Kiev lạm dụng tuyến đường vận chuyển trong suốt thỏa thuận.

Người Ukraine đã sử dụng những lối đi an toàn tự do này để phóng vũ khí của họ dưới dạng máy bay không người lái của hải quân, gây thiệt hại cho các tàu và cảng của Nga”, ông Lavrov nói, đồng thời cho biết thêm, theo thỏa thuận cũ, chỉ có 3% số ngũ cốc được vận chuyển của Ukraine đến các quốc gia trong danh sách các quốc gia có nhu cầu lớn nhất của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Nga đã hoàn thành vận chuyển 200.000 tấn ngũ cốc miễn phí tới 6 quốc gia châu Phi, như Tổng thống Putin đã hứa năm ngoái.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ