Trong thời gian qua, công tác phối hợp giải quyết các vụ án dân sự giữa TAND và VKSND hai cấp tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt theo đúng nội dung quy chế phối hợp.
Trong năm 2022 và quý I năm 2023, tình hình tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình trong tỉnh có chiều hướng gia tăng, tính chất nhiều vụ rất phức tạp. TAND và VKSND hai cấp đã thường xuyên trao đổi thông tin khi có khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ việc dân sự
TAND và VKSND hai cấp tỉnh Kiên Giang đã làm tốt công tác phối hợp cơ bản, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của hai ngành, nâng cao được số lượng và chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hạn chế thấp nhất số án bị tòa án cấp trên xét xử tuyên hủy, sửa có trách nhiệm của thẩm phán và kiểm sát viên tham gia giải quyết.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, bà Lê Thị Minh Hiếu - Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang cho biết: TAND hai cấp tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu trong vụ án; tạo điều kiện cho các bên đương sự tự hòa giải, phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan để thu thập chứng cứ nhằm đánh giá toàn diện khách quan vụ án và cơ bản giải quyết tốt các tranh chấp dân sự góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Việc giải quyết các vụ án hình sự của TAND hai cấp tỉnh Kiên Giang cơ bản xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có án oan, sai, việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo cơ bản đảm bảo có căn cứ pháp luật. Một số vụ án trọng điểm về kinh tế và tham nhũng được xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nâng cao ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang cho biết việc giải quyết các vụ án hình sự có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt.
Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử còn để xảy ra một số vụ án có thiếu sót, vi phạm dẫn đến phải hủy, sửa án hoặc phải kiến nghị, kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm như: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, điều tra xác minh, thu thập chứng cứ không đầy đủ, chưa làm rõ vai trò đồng phạm trong vụ án, giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự không đúng, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ chưa đúng, cho hưởng án treo chưa nghiêm,… nhận thức pháp luật có lúc, có nơi, có trường hợp chưa được thống nhất.
Những hạn chế vướng mắc đó cần được trao đổi, rút kinh nghiệm nâng lên, để phục vụ tốt chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành.