Nếu gian lận sẽ bị xử lý nghiêm
Là đơn vị đang diễn ra kiểm tra giữa học kỳ 1 các môn, Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, kế hoạch về lịch thi cùng một số lưu ý đã được trường thông báo tới toàn thể học sinh, phụ huynh từ hai tuần trước.
Cô Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, cho dù diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nhưng kiểm tra trực tuyến cũng có quy định rõ ràng theo hướng dẫn của các cấp để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc. Trong suốt quá trình làm bài thi, học sinh phải luôn luôn mở míc, mở camera. Giáo viên sẽ giám sát mọi hoạt động hay dấu hiệu bất thường nào của các em để có hướng xử lý phù hợp.
Đa số các môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng môn Ngữ văn (khối 6, 7); Toán (khối 6, 7, 8) thi theo hình thức kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Với môn Ngữ văn (khối 8, 9) và Toán (khối 9) thi tự luận 100%. Các môn thi tự luận được chấm trên phần mềm Azota, bài thi trắc nghiệm được máy tự chấm.
Thời gian thi được tiến hành vào buổi tối, có em dùng điện thoại thì cần 2 thiết bị; mỗi ngày kiểm tra một môn để giảm áp lực cho học sinh. Giáo viên vất vả làm việc buổi tối trong hai tuần nhưng vì học trò thân yêu nên các cô đều cố gắng.
"Các bậc phụ huynh cần tạo điều kiện tốt nhất về thiết bị, đường truyền và vị trí không gian yên tĩnh để con làm bài kiểm tra. Đồng thời động viên con tự giác làm bài nghiêm túc. Nếu phụ huynh can thiệp vào bài của học sinh, bài thi của em đó sẽ bị xử lý theo quy định.
Trước đây chúng tôi đã phát hiện và xử lý một trường hợp nên học sinh cũng biết lấy đó làm bài học và tăng tính răn đe. Với môn tự luận, giáo viên có thể căn cứ vào chữ viết của học sinh ở mỗi lần gửi bài để xác định xem có phải do cùng một người viết hay không để có cách xử lý kịp thời", cô Lý nói.
Các trường đang chuẩn bị thi giữa kỳ
Thầy Nguyễn Đức Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) nhấn mạnh, để đảm bảo đánh giá học sinh công bằng, khách quan và đúng thực lực học sinh thì việc coi, chấm bài kiểm tra trực tuyến sẽ vất vả hơn.
Khâu ra đề đảm bảo theo ma trận ở các mức độ như nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Đề kiểm tra được bộ phận chuyên môn nhà trường kiểm duyệt trước. Nội dung kiến thức theo hướng giảm tải, phù hợp với việc tổ chức kiểm tra trực tuyến theo chỉ đạo của cấp trên.
Việc chấm bài của giáo viên vất vả hơn, đặc biệt là các môn phải kiểm tra theo hình thức tự luận. Toàn trường có 510 học sinh chia làm 14 lớp với 28 giáo viên. Thiết bị của học sinh chủ yếu là điện thoại nên việc kiểm tra trực tuyến sẽ vất vả hơn. Nhiều điểm hạ tầng mạng, sóng viễn thông còn hạn chế nên ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng học/thi trực tuyến của các em.
Hiện có 2.078 học sinh đang theo học, thầy Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, hình thức kiểm tra trực tuyến đã được áp dụng từ học kỳ 2 của năm học trước nên thầy và trò không còn quá bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, để kỳ thi diễn ra được an toàn, nghiêm túc, nhà trường đã sớm xây dựng kế hoạch để giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng nắm và thực hiện. Trường yêu cầu cả phụ huynh và học sinh có cam kết không vi phạm các quy định, không gian lận khi kiểm tra trực tuyến.
Các giáo viên vẫn ra đề bình thường để bộ phận tin học cập nhật lên phần mềm. Trong quá trình học sinh làm bài kiểm tra, có 2 giáo viên coi thi thông qua một phương tiện và phần mềm quan sát khác. Mọi hành động, lời nói của học sinh đều được ghi lại.
Cô Cao Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) nhìn nhận, với học sinh tiểu học, việc dạy hay thi trực tuyến chất lượng không thể bằng được học sinh các khối trên. Việc ra đề kiểm tra giữa học kỳ sẽ do giáo viên chủ động thực hiện trên cơ sở tuân thủ các văn bản hướng dẫn liên quan.
Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.