Kiểm tra trinh tiết: Hủ tục ở quốc gia văn minh

GD&TĐ - Năm 2020, chính phủ Anh nhận được một kiến nghị không ngờ: Hãy ban hành lệnh cấm… phẫu thuật màng trinh.

Nhiều phụ nữ ở Anh vẫn bị áp lực “chuyện trinh tiết” trong hôn nhân.
Nhiều phụ nữ ở Anh vẫn bị áp lực “chuyện trinh tiết” trong hôn nhân.

Theo tờ Thời báo Chủ nhật (Sunday Times), đất nước này có ít nhất 22 phòng phẫu thuật tư, chuyên cấp “giấy chứng nhận trinh tiết” và phục vụ “tái tạo màng trinh 100%”.

Góc khuất đáng sợ

Nhắc đến trinh tiết, mọi người thường nghĩ đó là vấn đề ở các nước như Afghanistan, Bangladesh… Tại các quốc gia này, phụ nữ có thể bị ném đá đến chết theo đúng nghĩa đen, vì quan hệ tình dục trước hôn nhân. 

Tháng 1/2020, Thời báo Chủ nhật – tạp chí lớn nhất ở Anh đăng tải phóng sự điều tra gây sốc. Đó là có ít nhất 22 phòng phẫu thuật tư, chuyên vá và tái tạo màng trinh trên khắp nước Anh. Đặc biệt, các phòng phẫu thuật này còn cung cấp dịch vụ kiểm tra, cấp giấy chứng nhận trinh tiết.

Chi phí kiểm tra và cấp giấy chứng nhận trinh tiết từ 150 - 300 bảng Anh/người (khoảng 5 – 10 triệu đồng). Vá hoặc tái tạo màng trinh thì đắt hơn, có thể lên tới 3000 bảng/lần (gần 95 triệu đồng).

Phóng sự của Thời báo Chủ nhật đưa tin, nhiều phụ nữ ở Anh vẫn phải sống trong “nỗi sợ hãi như thời trung cổ”. Nếu bị chồng hoặc người nhà phát hiện đã “ăn cơm trước kẻng”, họ có thể bị ruồng bỏ, thậm chí sát hại.

Đa phần những phụ nữ này là người gốc Hồi giáo. Giáo luật của đạo Hồi đặc biệt nghiêm cấm phụ nữ quan hệ tình dục trước và ngoài hôn nhân. Nếu làm trái, họ bị xem là ô uế, có khả năng bị giết để “lấy lại danh dự cho gia đình”.

“Các cuộc kiểm tra trinh tiết là phi khoa học, man rợ và cần bị loại bỏ” - Tổ chức Phụ nữ và Xã hội Trung Đông, Anh khẳng định.
“Các cuộc kiểm tra trinh tiết là phi khoa học, man rợ và cần bị loại bỏ” - Tổ chức Phụ nữ và Xã hội
Trung Đông, Anh khẳng định.

Dịch vụ vô nhân?

Thời trung cổ, giáo luật đạo Thiên Chúa (phổ biến ở châu Âu) cũng cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Các thiếu nữ ở Anh bắt buộc phải trải qua kiểm tra trinh tiết trước khi xuất giá. Bước sang thời hiện đại, Anh và các quốc gia phương Tây mới triệt để xóa bỏ hủ tục này. 

Trước bài báo của Thời báo Chủ nhật, công chúng châu Âu vô cùng bàng hoàng. Tổ chức Phụ nữ và Xã hội Trung Đông (The Middle Eastern Women and Society - MEWS) lập tức làm bản kiến nghị, tuyên bố “các cuộc kiểm tra trinh tiết là phi khoa học, man rợ và cần bị loại bỏ”, yêu cầu chính phủ ban lệnh cấm. 

“Ở thế giới Hồi giáo, phụ nữ phải sống dưới 2 luật: Pháp luật và giáo luật”, Halaleh Taheri – nhà sáng lập MEWS, lên tiếng. “Nhưng đây là Anh quốc nhất luật. Tất cả chúng ta đều là những công dân bình đẳng, chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ luật pháp Vương quốc Anh”.

Halaleh kể lại câu chuyện đau lòng đời thực ở quê nhà, Morocco. Chị họ của cô đã bất chấp sự phản đối của gia đình, kết hôn với người đàn ông chị yêu và có con. Một hôm, trong lúc người phụ nữ này đang cho con bú, chị bị kẻ nào đó đột nhập vào nhà, đánh đến tử vong. 

“Chị ấy là người phụ nữ rất tuyệt vời”, giọng Halaleh run rẩy. “Chúng tôi không biết ai là người đã ra tay với chị. Ở cái xã hội này, giết người vì thể diện chỉ là chuyện trong nhà, hung thủ có bị bắt cũng chỉ bị phạt tù tối đa 6 tháng”.

Bản thân Halaleh cũng là nạn nhân của kiểm tra trinh tiết. Vào năm 2014, cô tới Anh du học, yêu và sống chung với bạn trai. Cô bị cha phát hiện, bắt phải về lại Morocco, đưa đến phòng khám và nhận được kết quả “con gái không còn trong sạch”. Ông nổi cơn thịnh nộ, đòi giết Halaleh. Cô phải trốn trở lại Anh, sống chui lủi trong nỗi khiếp hãi. 

Kiểm tra và phẫu thuật màng trinh không phải dịch vụ phạm pháp.
Kiểm tra và phẫu thuật màng trinh không phải dịch vụ phạm pháp.

Tiến thoái lưỡng nan

Trong bản kiến nghị gửi chính phủ Anh, MEWS tố cáo các phòng phẫu thuật màng trinh “trục lợi trên nỗi thống khổ của phụ nữ gốc Hồi giáo”. Ngay sau khi tin tức lan truyền, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định, sẽ điều tra kỹ lưỡng. 

Xét trên diện pháp lý, dịch vụ kiểm tra và phẫu thuật màng trinh không bất hợp pháp. Nó được thực hiện dưới sự đồng thuận của người yêu cầu và bác sĩ, không tồn tại bất cứ sự gượng ép nào. “Tôi tin rằng, mục đích của các bác sĩ là bảo vệ các chị em Hồi giáo khỏi nguy cơ bị lạm dụng”, Khalid Khan – Giáo sư Trường Y London (London School of Medicine) chia sẻ. “Tôi đã tận mắt chứng kiến quy trình, thấy rất an toàn”. 

“Chúng tôi, với tư cách là người chữa bệnh, tuyệt đối không làm bất cứ hành động nào gây tổn hại đến bệnh nhân”, các bác sĩ phòng thuật màng trinh phản kháng. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, hầu hết các phòng khám tư đều có trang chủ, quảng cáo trực tuyến công khai.

Tại trung tâm London, Phòng khám Quốc tế Regency (Regency International Clinic) tự tin giới thiệu: Chuyên phẫu thuật sửa màng trinh, khôi phục 100%, thủ thuật an toàn, đơn giản, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Đánh giá phụ nữ qua màng trinh là quan điểm cổ hủ. Có điều, không phải tất cả khách của các “phòng khám trinh tiết” đều là nạn nhân. Trên thực tế, các phòng phẫu thuật này giống như “bệnh viện thẩm mỹ vùng kín”. Nhiều phụ nữ đến đây để kiểm tra, chỉnh sửa hình dạng, màu sắc, vá hoặc tái tạo màng trinh chỉ vì họ muốn. Thêm vào đó, họ còn là phụ nữ Anh thuộc mọi màu da, tôn giáo, lứa tuổi…

“Không phải cứ có tiền là bạn có thể làm cái chuyện như thế ở một đất nước văn minh”, Nimco Ali – nhà vận động của MEWS bày tỏ sự bức xúc. 

Đến nay, 1 năm đã trôi qua và MEWS không ngừng gây áp lực lên chính phủ Anh. Trong khi đó, lượng “bệnh nhân” ghé các “bệnh viện thẩm mỹ vùng kín” có dấu hiệu gia tăng. Chính phủ và Bộ Y tế của Vương quốc Anh rơi vào tình thế khó xử. Họ tiếp nhận kiến nghị của MEWS, nhưng chưa đưa ra bất cứ hứa hẹn dự luật nào. 

Theo Dailymail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ