Gấp rút ôn tập
Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục huyện Đăk Glei (Kon Tum) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các trường linh hoạt dạy học trực tuyến và giao bài tập về nhà cho học sinh. Đặc biệt, ưu tiên dạy và học đối với học sinh lớp 12.
Thầy Phan Hữu Đệ, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết: Năm học này toàn trường có 494 học sinh, trong đó có 103 em học lớp 12. Qua nắm bắt tình hình và thống kê của nhà trường, khoảng 30% học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT và 70% đăng ký thi tốt nghiệp kèm xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo thầy Đệ, nhà trường vừa tổ chức cho học sinh kiểm tra học kỳ II. Hiện, giáo viên tiến hành ôn tập dựa trên bộ đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để giúp các em củng cố kiến thức, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện, Gia Lai) có 480 học sinh lớp 12/11 lớp. Trong đó, có 148 em chọn tổ hợp Khoa học Tự nhiên và 332 em thuộc tổ hợp Khoa học Xã hội.
Theo thầy Lê Tấn Trọng, Hiệu trưởng nhà trường, thông qua các tiết học trên lớp, nhà trường thống kê có khoảng 33 em thuộc nguy cơ trượt tốt nghiệp. Để bảo đảm kiến thức cho học sinh, nhà trường đã chỉ đạo ban biên tập chương trình nhà trường, các tổ/nhóm bộ môn rà soát, biên soạn lại chương trình dạy học theo đúng hướng dẫn của Bộ, sở GD&ĐT, phù hợp với đặc điểm, tình hình của nhà trường.
Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn tiếp tục điều chỉnh kế hoạch dạy học lớp 12 kết hợp với dạy 2 buổi/ngày. Qua đó, hoàn thành chương trình các môn học không thi tốt nghiệp sớm so với tiến độ chương trình. Nhà trường đồng thời đánh giá rút kinh nghiệm tài liệu ôn tập và công tác tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT 2021 và 15 bộ đề tham khảo của sở GD&ĐT để xây dựng kế hoạch, tài liệu ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
“Mỗi tổ chuyên môn của nhà trường đã xây dựng 1 bộ tài liệu ôn tập và 1 bộ đề ôn thi tốt nghiệp THPT 2022. Các bộ tài liệu được chia sẻ cho toàn thể giáo viên, học sinh của nhà trường để vận dụng vào giảng dạy và học tập cũng như ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi”, thầy Trọng nói.
Giúp học sinh cán đích thành công
Thầy Phan Hữu Đệ chia sẻ: Đến khoảng giữa tháng 5, sau khi tổ chức ôn tập cho học sinh được 1 tháng, nhà trường sẽ tổ chức thi thử. “Dựa vào kết quả thi thử, đơn vị sẽ phân loại học sinh. Với những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp sẽ tổ chức ôn tập, phụ đạo thêm với hy vọng giúp các em nắm vững kiến thức để hoàn thành tốt kỳ thi”.
Với mong muốn tất cả học sinh đều đậu tốt nghiệp THPT, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Gia Lai) tổ chức rà soát, lập danh sách học sinh có nguy cơ hỏng tốt nghiệp và học sinh cần giúp đỡ ngay từ cuối học kỳ I.
Theo đó, căn cứ vào điểm trung bình môn ở học kỳ I, tổ chuyên môn nhà trường lập danh sách học sinh có nguy cơ hỏng tốt nghiệp và tổ chức lớp bồi dưỡng, phụ đạo. Không những vậy, sau khi hoàn thành các bài kiểm tra cuối học kỳ II, các tổ/nhóm bộ môn tiếp tục tổ chức, đánh giá chất lượng, hiệu quả của việc dạy học. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch ôn luyện cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT phù hợp với trình độ. Đặc biệt, trong quá trình ôn luyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh nhằm động viên và kịp thời uốn nắn các em.
“Nhà trường sẽ tổ chức thi thử nhiều lần, kết hợp với cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT 2021 để xét tốt nghiệp thử. Qua đó, giải thích cho học sinh hiểu ý nghĩa việc tham gia thi thử tốt nghiệp THPT. Sau mỗi kỳ thi, giáo viên phối hợp cùng gia đình tiếp tục động viên, nhắc nhở để học sinh tích cực phấn đấu đạt kết quả cao. Đồng thời chấm trả bài, củng cố kiến thức còn hổng kịp thời, giúp các em tự tin trong kỳ thi sắp tới. Đặc biệt tổ chức ôn tập theo nhóm, lớp phù hợp với năng lực và nguyện vọng của học sinh. Chú trọng đến em có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nguy cơ rớt tốt nghiệp”, thầy Trọng chia sẻ.