Thi thử trực tuyến
Không dùng khái niệm "thi thử", Hà Nội tiến hành các đợt kiểm tra khảo sát chất lượng với học sinh lớp 12 THPT và GDTX qua hệ thống học và thi trực tuyến Hanoi Study. Đến nay, địa phương đã hoàn thành 2 đợt khảo sát; đợt cuối cùng diễn ra vào các ngày 10, 11, 12/7. Hoạt động này nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh lớp 12 kiến thức, kỹ năng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Tại Hải Dương, Sở GD&ĐT ban hành hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập và tham gia thi thử trực tuyến. Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết: Sở tổ chức cho học sinh lớp 12 tham gia luyện tập các đề thi thử tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến, qua tài khoản Microsoft Teams trên tinh thần tự nguyện. Các môn thi thử gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh. Sở tổ chức 4 đợt thi, học sinh chủ động lựa chọn tham gia môn thi theo nguyện vọng. Sau khi thi trực tuyến, học sinh có thể luyện tập lại các đề thi tại địa chỉ: giaoduchaiduong.edu.vn. Kết quả thi thử sẽ được tổng hợp và gửi về các đơn vị tham khảo nhằm đưa ra giải pháp tổ chức dạy học để nâng cao chất lượng học tập của học sinh trong thời gian tới.
Không sử dụng hình thức trực tuyến, nhiều địa phương sẽ tổ chức một số đợt thi thử cho học sinh theo cách truyền thống. Như Bắc Ninh, hơn 14 nghìn học sinh khối 12 trải qua đợt thi thử kéo dài 2 ngày (12 và 13/6). Tại Gia Lai, đợt thi thử quy mô toàn tỉnh dự kiến được tổ chức vào 13 - 14/7. Đối tượng dự thi là học sinh lớp 12 tại các trường THPT (kể cả thí sinh tự do nếu đăng ký thi thử), trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX tỉnh. Thí sinh là học sinh THPT dùng điểm thi để xét tốt nghiệp dự thi 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, bài thi tổ hợp (chỉ được chọn một trong hai bài thi tổ hợp).
Thí sinh là học viên hệ GDTX dùng điểm thi để xét tốt nghiệp dự thi 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn; có thể đăng ký thêm bài thi môn Tiếng Anh để lấy kết quả xét tuyển sinh. Đối với các thí sinh dùng điểm thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngành Giáo dục mầm non, đăng ký các môn thi nhưng không được phép đăng ký 2 môn ở 2 tổ hợp môn khác nhau. Mục đích tổ chức thi thử, theo Sở GD&ĐT Gia Lai, giúp học sinh tiếp cận Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; đồng thời khảo sát, đánh giá chất lượng học sinh, giúp các đơn vị có cơ sở để xây dựng kế hoạch ôn tập hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả
Mùa thi năm 2020 khá đặc biệt bởi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, chỉ đạo của ngành Giáo dục Vĩnh Long cũng có thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Chia sẻ điều này, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, cho biết: Tổ chức thi thử để học sinh làm quen với dạng đề và rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật làm bài thi là vô cùng cần thiết. Nhưng, để tổ chức thi thử tập trung trên phạm vi toàn tỉnh, đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Trong khi đó, quỹ thời gian còn lại không đủ để tỉnh tổ chức đồng thời cả 3 kỳ thi, gồm thi tuyển sinh 10 (18 - 19/7), thi thử tốt nghiệp THPT và thi tốt nghiệp THPT. Do đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị linh hoạt trong tổ chức thi thử (không tổ chức thi thử tập trung toàn tỉnh, mà tổ chức lồng vào giai đoạn ôn tập của các đơn vị).
Ông Trịnh Văn Ngoãn thông tin: Theo báo cáo từ cơ sở, hầu hết đơn vị đều dành khoảng 2 tuần cho học sinh làm quen với các dạng đề và tổ chức thi thử (đề được phát triển từ đề minh họa). Mặt khác, do không có điều kiện tổ chức thi thử tập trung nên tỉnh tổ chức kiểm tra học kỳ II năm học 2019 – 2020 theo hướng tiệm cận với Kỳ thi tốt nghiệp THPT cả về cấu trúc đề thi, bài thi và quá trình tổ chức coi thi, chấm thi, để học sinh và giáo viên có điều kiện làm quen, thực hiện tốt nhiệm vụ của thí sinh, cán bộ làm thi trong thời gian sắp tới.
"Nhận thấy đề thi thử và khâu tổ chức thi là 2 yếu tố quyết định chất lượng kỳ thi thử, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Hội đồng bộ môn của tỉnh xây dựng bộ đề thi phát triển từ đề minh họa để các đơn vị trực thuộc dùng chung trong quá trình ôn tập và thi thử. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tổ chức thi thử như thi thật để học sinh có dịp làm quen với không khí phòng thi. Sau thi thử, phải tổ chức chấm thi và lựa chọn hình thức công bố kết quả phù hợp. Khi cần thiết, có thể không công bố kết quả thi thử của một số học sinh hoặc toàn trường, nhưng bắt buộc phải phân tích lỗi làm bài (lỗi do kiến thức, kỹ năng - phán đoán, lỗi kỹ thuật) của từng thí sinh để có hướng giúp đỡ, nâng cao kết quả khi học sinh thi thật" - ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.
Ngoài ra, tận dụng hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh qua Internet trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, nhưng không dừng học" của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Trịnh Văn Ngoãn cũng cho biết, nhiều đơn vị đã tổ chức cho học sinh khối 12 thi thử, hoặc giải đề online hiệu quả, nhất là các đơn vị có ngân hàng đề phong phú.
"Có thể nói, việc tổ chức cho học sinh thi thử là cần thiết. Đây được xem là đợt tổng duyệt quan trọng cho đợt coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT vào tháng 8 tới" – ông Trịnh Văn Ngoãn nêu quan điểm.