Chống gian lận kiểm tra trực tuyến: Bắt đầu từ ý thức học trò

GD&TĐ - Một trong những vấn đề đáng quan tâm khi học sinh chuẩn bị bước vào kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tuyến là nhà trường sẽ triển khai giải pháp nào để loại bỏ tối đa gian lận, phản ánh đúng kết quả dạy học.

Nâng cao giám sát khi HS thi trực tuyến. Ảnh: NTCC
Nâng cao giám sát khi HS thi trực tuyến. Ảnh: NTCC

Tăng cường giám sát

Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) chưa quyết định kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp. Tuy nhiên, theo cô Lê Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, nếu kiểm tra trực tuyến chắc chắn trường sẽ triển khai các giải pháp như kỳ thi cuối năm vừa qua. Các lớp sẽ được chia thành 2 phòng thi, mỗi phòng 2 giáo viên (GV) làm nhiệm vụ giám sát thi. Trong đó, 1 GV coi thi trực tiếp trên máy, 1 GV giám sát GV coi thi. Như vậy, cả người thi và coi thi đều phải thực hiện nghiêm túc, không thể thông đồng hoặc làm việc thiếu trách nhiệm.

Trong khâu kĩ thuật, trường yêu cầu học sinh (HS) để camera chiếu thẳng vào tay viết và mở mic hoàn toàn trong quá trình làm bài thi (môn chính tả tắt mic để HS nghe được GV đọc, không  bị vang tiếng). Như vậy bất kỳ HS nào trao đổi bài với bạn hoặc bên ngoài sẽ bị phát hiện nhanh chóng. Ngoài ra, để tránh HS trao đổi bài trên hệ thống chat, GV cũng khóa hoàn toàn room chat…

Cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ - Hà Nội) trao đổi: Nếu kiểm tra trực tuyến, GV sẽ ra đề theo nội dung, chương trình đã dạy học; Có đầy đủ ma trận đề. Quá trình kiểm tra trực tuyến môn tự luận sẽ cử 2 GV coi một lớp, HS phải bật camera suốt quá trình làm bài. Với một số môn học không nhất thiết phải làm bài kiểm tra và để tránh áp lực cho HS, nhà trường tiến hành kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm hoặc làm tiểu luận…

Dù chuẩn bị kĩ càng cho kiểm tra trực tuyến nhưng cô Tô Thị Bích Liên vẫn bày tỏ nghi ngại: “Kiểm tra trực tuyến không thể tránh hoàn toàn những trường hợp HS gian dối, HS giỏi công nghệ thông tin có thể tìm được kết quả trên mạng khi thi hoặc trường hợp người thân, phụ huynh hỗ HS khi làm bài kiểm tra…”.

Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội), kiểm tra trực tuyến từng được triển khai thành công. Chính vì vậy, nhà trường tiếp tục phát huy kinh nghiệm như yêu cầu mỗi thí sinh tham gia kiểm tra sử dụng 2 camera trên 2 điện thoại (hoặc máy tính), một camera chiếu vào phần bài làm, một chiếu vào HS trong suốt quá trình làm bài. Mỗi lớp được chia 2 ca để tiến hành kiểm tra, mỗi ca thi bố trí tối thiểu 2 GV coi thi.

Cô Nguyễn Thanh Ngọc, tổ trưởng khối 4, Trường Tiểu học Phan Đình Giót thông tin: Khâu ra đề thi tiến hành nghiêm ngặt theo nhiều bước: GV ra nhiều mã đề, sau đó ban giám hiệu duyệt và quyết định lựa chọn, bảo mật đề thi cho tới trước khi thi 5 phút mới công bố đề lên hệ thống.

Để đảm bảo mọi HS đều nhận được đề thi, tránh trường hợp mạng bị ngắt quãng, yếu không tải được, đề thi được phát qua 2 kênh đó là chuyển lên ô chat trên phần mềm kiểm tra (GV gửi cho HS, HS không được chat trong quá trình làm bài) hoặc qua Zalo của bố mẹ. Sau 5 phút phát đề sẽ tính thời gian làm bài. Hết thời gian làm bài HS có 10 phút để nộp bài. Chậm hơn bài thi sẽ không hợp lệ và máy không công nhận. 

Nâng cao chất lượng dạy học từ kiểm tra trực tuyến. Ảnh: NTCC
Nâng cao chất lượng dạy học từ kiểm tra trực tuyến. Ảnh: NTCC 

Phát huy ý thức học trò và gia đình

Cô Lê Thị Kim Ngọc cho rằng: Để HS làm bài kiểm tra trực tuyến tốt nhất thì cả HS và phụ huynh cần hiểu đúng về mục đích của kiểm tra, không quá áp lực hay coi trọng điểm số. Từ đó phát huy và nêu cao tính trung thực trong quá trình làm bài thi trực tuyến.

Về phía gia đình cần tạo cho trẻ môi trường học tập yên tĩnh, tránh tác động nhằm thay đổi kết quả trong quá trình làm bài. Đối với HS phải tự giác trong việc học và ôn tập trước khi thi.

Còn theo ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội), dạy học trực tuyến dù nhà trường, GV, HS và phụ huynh đều nỗ lực, đồng hành và sẻ chia cùng nhau, nhưng hiệu quả không thể như học trực tiếp. Vì thế kiểm tra đánh giá trực tuyến cũng không thể phản ánh hết thực chất quá trình và chất lượng dạy của thầy cũng như hiệu quả học tập của trò.

Điều quan trọng khi kiểm tra trực tuyến để đạt hiệu quả đó là các nhà trường cần xây dựng phương án kiểm tra với những kịch bản cụ thể. Mặt khác việc giám sát HS trong quá trình làm bài phải chặt chẽ, nghiêm túc để đánh giá công bằng, khách quan bởi khi làm bài ở nhà, HS vẫn có thể hỏi bài, nhờ người khác làm giúp.

Khâu làm đề thi trực tuyến cũng quan trọng. Đề thi (nhất là các môn xã hội) phải mang tính chất gợi mở. Hình thức kiểm tra không nhất thiết phải theo phom mẫu truyền thống mà có thể cho HS viết bài thu hoạch, làm các sản phẩm, dự án học tập theo từng cá nhân hoặc theo nhóm (với học sinh lớn).

Cùng đó có thể kết hợp trong các giờ học trực tuyến, GV cho học sinh kiểm tra vấn đáp hoặc thuyết trình để đánh giá định kỳ. Với các môn tự luận, đề thi cần thiết là đề mở, HS có thể sử dụng tài liệu nhưng cần đưa quan điểm, hiểu biết cá nhân để đánh giá vấn đề... Như vậy, sẽ cơ bản tránh được gian lận trong các kỳ thi dù trực tiếp hay trực tuyến.

Thầy Ngô Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) bày tỏ: Trong kiểm tra trực tuyến khó để đảm bảo được tính trung thực một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, quy chế xử lý gian lận thi cử trong các nhà trường đều đã có và đủ tính răn đe. Tại Trường THPT chuyên Lào Cai khi HS vi phạm quy chế thi, kiểm tra đều bị đánh giá hạnh kiểm yếu. Như vậy HS sẽ phải ra khỏi trường theo quy định.

Bên cạnh các biện pháp phòng chống gian lận thi, kiểm tra, thầy Thanh cũng cho rằng các nhà trường cần quan tâm tới vấn đề nâng cao ý thức cho HS trong thi cử, kiểm tra. Bởi ý thức, sự tự giác của HS mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề gian lận thi cử, kiểm tra dù là trực tiếp hay trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ