Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt ngân hàng vượt trần tín dụng

GD&TĐ - Báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước đã công khai loạt tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra loạt ngân hàng vượt trần tín dụng

Tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%, Kiểm toán Nhà nước cho rằng tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung.

Trong đó, lĩnh vực bất động sản 15,37%, lĩnh vực chứng khoán 23,85%, lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp 17,65%.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%). Với con số này, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Đáng chú ý, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, tổ chức vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa được giao trong năm là Ngân hàng TMCP Bản Việt (được giao 13,48 %, thực hiện 15,67%); Ngân hàng TMCP Bảo Việt (được giao 5,5%, thực hiện 31,82%).

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm trong năm là Ngân hàng TMCP Phương Đông (tại 31/7/2021, 31/8/2021, 30/9/2021, 31/10/2021).

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh minh họa)

Tổ chức tín dụng đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Theo đó, số dư khoản đầu tư trái phiếu của tổ chức này vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy tính đến ngày 31/12/2021 là 50 tỷ đồng, trích lập dự phòng 100%.

Ngoài ra, MBBank còn đầu tư 33,96 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp). Tuy nhiên, từ năm 2009, Bảo hiểm AAA hoạt động không hiệu quả. Lũy kế đến ngày 31/12/2021, công ty lỗ 776 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng cao

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Ngoài ra, việc xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước khi không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái).

Đối với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, Kiểm toán Nhà nước đánh giá sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng chưa thực hiện được.

Trong đó, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp hai lần so cuối năm 2021.

Theo nhận định của các chuyên gia WiGroup, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống trong quý I/2023 cao hơn trước dịch. Điều này cho thấy, sự đóng băng của thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế chậm lại đã phản ánh vào tình hình nợ xấu của ngân hàng.

Hiện thị trường bất động sản và doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.

Đặc biệt trong quý III/2023, dự kiến có khoảng 104.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.