Kiểm toán nhà nước: Chấm dứt mang tiền công đoàn góp vốn và cho vay

Thu tăng nhanh, chi chưa “trúng”

Tại báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng liên đoàn Lao động(LĐLĐ) Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cho biết tổng thu tài chính công đoàn là hơn 20,2 nghìn tỉ đồng (đóng góp lớn nhất là khối sản xuất kinh doanh với gần 12,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 69%). Còn tổng chi là hơn 14,5 nghìn tỉ đồng.

Theo báo cáo tổng kết thực hiện luật Công đoàn của Tổng LĐLĐ vào tháng 8 vừa qua, tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ 2013 đến 2019) là 100.353 tỉ đồng, trong đó đoàn phí công đoàn là 25.250 tỉ đồng, chiếm 25,1% tổng số thu; kinh phí công đoàn là 62.825 tỉ đồng, chiếm 62,6% tổng số thu; ngân sách nhà nước hỗ trợ 332 tỉ đồng và các khoản thu khác là 11.946 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng số thu.

Thu tài chính công đoàn trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần, trong đó thu kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí công đoàn tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần.

Đối với việc sử dụng tài chính công đoàn, số tổng chi là hơn 14,5 nghìn tỷ đồng, trong đó chi lương phụ cấp là hơn 2,6 nghìn tỷ đồng; quản lý hành chính là hơn 895 tỷ đồng; chi hoạt động phong trào là hơn 10,7 nghìn tỷ đồng; chi sửa chữa mua sắm hơn 240 tỷ đồng, còn lại chi hoạt động các đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các cấp công đoàn còn phê duyệt một số nội dung chi vượt, chi chưa đúng định mức quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chưa kiểm tra kiểm soát các nội dung khi đưa vào quyết toán tài chính công đoàn. Một số khoản chi được đánh giá là chưa phù hợp, hoặc chưa có quy định, đang thiếu về cơ chế chính sách. Nguồn tài chính công đoàn chủ yếu chi cho hoạt động phong trào như đào tạo cán bộ, tuyên truyền, hội nghị hội thảo, tập huấn… hướng đến đối tượng là cán bộ công đoàn chuyên trách các cấp.

Trong khi đó, nội dung chi thăm hỏi đoàn viên, lao động tại công đoàn cơ sở chi từ nguồn tài chính công đoàn của công đoàn cấp trên có giới hạn về nội dung, định mức, đối tượng. Ví dụ, phải là đối tượng khó khăn do bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, thiên tai… chưa đa dạng về nội dung chi như tại cấp công đoàn cơ sở theo Quyết định 1910 của Tổng liên đoàn.

"Điều này hạn chế tính chủ động của công đoàn cấp trên trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động", Kiểm toán Nhà nước nhận xét.

Dưới cơ sở thiếu tiền hoạt động, bên trên đem tiền gửi ngân hàng

Ngoài ra, khi xem xét số liệu quyết toán thu chi tại các cấp công đoàn, Kiểm toán Nhà nước nhắc đến một bất cập là cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tài chính công đoàn tích lũy, hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động.

Kiểm toán cho thấy tình trạng thiếu kinh phí hoạt động diễn ra phổ biến tại các công đoàn ngành và một số công đoàn cơ sở.

Điều này dẫn đến ngoài 2% ngân sách nhà nước cấp cho kinh phí công đoàn, thì ngân sách còn phải hỗ trợ 0,5% tổng thu kinh phí công đoàn cho hoạt động (số tiền hỗ trợ năm 2019 là hơn 61,7 tỉ đồng); chưa kể hằng năm phải huy động nguồn đóng góp hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức để thực hiện hoạt động phong trào (Tháng công nhân, Tết sum vầy) hoặc thông qua các quỹ Mái ấm công đoàn, Nguyễn Đức Cảnh...  

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, các cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; Tổng LĐLĐ lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn, đầu tư, cho vay…

Theo Kiểm toán Nhà nước, đến cuối năm 2019, số tài chính công đoàn tích lũy là hơn 28,95 nghìn tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp LĐLĐ tỉnh, thành phố và tương đương (chiếm 36% toàn ngành), trong đó một số công đoàn có nguồn tích lũy cao hơn rất nhiều so với nguồn chi trong năm. Đơn cử, Công đoàn giao thông vận tải tích lũy bằng 225% tổng chi.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc sử dụng tích lũy cũng chưa đúng quy định và chưa có hiệu quả. Theo Kiểm toán Nhà nước, các cấp công đoàn sử dụng chi từ nguồn tích lũy nhưng không lập dự toán, không được công đoàn cấp trên có thẩm quyền phê duyệt dự toán, sử dụng chi thường xuyên vượt 50% số dư tích lũy đến cuối kỳ năm trước không đảm bảo quy định. Một số cấp công đoàn sử dụng nguồn tích lũy chưa hiệu quả do chưa cân đối giữa nguồn thu và nhiệm vụ chi nên gửi các khoản tiền ngắn hạn hoặc không kỳ hạn (lãi suất thấp).

Hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy còn chưa có cơ chế rõ ràng, minh bạch, chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc và trách nhiệm trả nợ cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay. Trong đó, Tổng LĐLĐ chủ yếu cho vay xây trụ sở từ 2011 đến nay là 167,5 tỉ, nhưng chưa có giải pháp thu hồi. 

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Tổng Liên đoàn lao động chấm dứt việc góp vốn thành lập doanh nghiệp và cho vay từ nguồn tích lũy tài chính công đoàn do hoạt động này gây thất thoát kinh phí và không đúng quy định; chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn và phương án sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn hằng năm để sử dụng có hiệu quả; tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay, có biện pháp thu hồi nợ. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi trình Chính phủ ban hành Nghị định 191/2013 sau khi sửa đổi luật Công đoàn theo hướng quy định hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình sử dụng tài chính công đoàn để đảm bảo công khai, minh bạch.
Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quân đội Israel khiến Gaza đổ nát.

Chiến tranh thế giới thu nhỏ

GD&TĐ - Chưa từng có về quy mô và thời gian, cuộc chiến tranh hỗn hợp Israel-Hamas có thể dễ dàng leo thang thành 'Chiến tranh thế giới thu nhỏ'.