Các trường học tổ chức bán trú cho học sinh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
“Điểm rơi” dịch bệnh
Đến thời điểm tháng 8/2024, Quảng Ngãi có 5 bệnh nhi mắc sởi. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi của tỉnh mới đạt hơn 68%. Tỷ lệ này ở các huyện miền núi như Sơn Tây, Trà Bồng ở mức dưới 54%.
Trong khi đó, tại Quảng Nam ghi nhận 202 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,24 lần so với 8 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên chưa ghi nhận ổ dịch. Quảng Nam cũng xuất hiện bệnh nhân mắc ho gà. Đà Nẵng ghi nhận một số trường hợp mắc sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Thực tế này không loại trừ khả năng dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát trong mùa tựu trường nếu không tích cực, chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch.
Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, các bệnh truyền nhiễm thường rơi vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm, sau thời gian nghỉ hè và thời điểm tựu trường của học sinh.
Nguyên nhân do trẻ chuyển từ môi trường gia đình qua trường học, cùng học tập, sinh hoạt, ăn, ngủ bán trú… dẫn đến việc dễ xuất hiện mầm bệnh. Với những trẻ chưa có miễn dịch và không tiêm phòng vắc-xin đầy đủ thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, thời tiết giao mùa tạo điều kiện để dịch bệnh phát triển.
Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết: Lúc đầu, nhà trường tập cho học sinh thói quen ngủ màn nhưng các em không thích nghi được.
Học sinh nằm ngủ giường tầng, nếu không duy trì việc gấp màn mỗi sáng sẽ nhếch nhác, thậm chí khó giữ vệ sinh phòng ở hơn. Vì vậy, nhà trường nghĩ đến phương án dùng dung dịch sát khuẩn để vệ sinh phòng ngủ, phòng ăn của các em hằng tuần. Với dung dịch sát khuẩn này, phòng ở sạch sẽ, hạn chế được côn trùng, muỗi… đáng kể. Mỗi học sinh đều có một tủ đựng đồ gắn với giường ngủ để đảm bảo phòng ở luôn gọn gàng, thông thoáng.
Thời điểm đầu tháng 4/2023, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng có gần 400 học sinh, chiếm khoảng 90% số học sinh của trường bị ghẻ ngứa. Nhà trường phải kêu gọi từ thiện để có thuốc điều trị. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Vân có gần 70 học sinh được bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng chẩn đoán mặc bệnh ghẻ bội nhiễm.
Rút kinh nghiệm cho năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) đã trang bị thêm một máy giặt, sấy, nâng số máy giặt phục vụ học sinh khu nội trú lên 3 chiếc. Theo thầy Hiệu trưởng Bùi Quang Ngọc, áo quần học sinh được sấy khô để tránh các bệnh ngoài da vào mùa mưa do mặc quần áo ẩm.
Chủ động phòng dịch
Trước khai giảng năm học mới, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã vệ sinh trường lớp, tỉa cây xanh, phát quang cỏ dại, khơi thông hệ thống cống, rãnh… “Khu vực này muỗi nhiều, trước kỳ nghỉ lễ, nhà trường tiến hành phun thuốc, khử khuẩn và tổng dọn vệ sinh lần nữa để học sinh quay lại trường.
Trong tuần học đầu tiên, nhà trường lồng ghép tuyên truyền trong tiết sinh hoạt dưới cờ về cách phòng, chống một số dịch bệnh phổ biến; đặc biệt quan tâm, hướng dẫn học sinh lớp 1 rửa tay, vệ sinh sạch sẽ”, thầy Nguyễn Hỷ - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Trước diễn biến bệnh sởi có dấu hiệu tăng mạnh tại một số địa phương, các trường học, nhất là trường mầm non, tiểu học tại Đà Nẵng đã đẩy mạnh truyền thông trong giáo viên, phụ huynh về cách nhận biết và biện pháp phòng chống, nâng cao sức đề kháng cơ thể như ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.
Chia sẻ của cô Lương Thúy Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), công tác phòng, chống dịch bệnh được nhà trường thực hiện xuyên suốt năm học.
Bên cạnh hướng dẫn chuyên môn của trạm y tế phường cho nhân viên y tế và giáo viên nhà trường trong phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin, nhà trường chủ động truyền thông trong giáo viên.
Nhân viên y tế nhà trường cũng hướng dẫn giáo viên nắm được triệu chứng các loại bệnh, nguyên nhân lây nhiễm; giáo viên thường xuyên nhắc nhở trẻ sử dụng đúng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, khăn lau mặt…
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có sẵn vườn cây thuốc nam nên vào mùa Đông, nhân viên y tế phối hợp với bộ phận cấp dưỡng nấu trà gừng, sả để học sinh uống vào một số ngày trong tuần. Đây là cách để nâng cao khả năng miễn dịch cho học sinh nhằm phòng, chống một số bệnh theo mùa.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết: “Để tăng sức đề kháng cho học sinh thì trước hết, khẩu phần ăn phải đảm bảo, cân đối dinh dưỡng. Khâu tiếp phẩm, chế biến được nhà trường kiểm soát chặt chẽ. Trường đã lắp đặt hệ thống bếp ăn chế biến một chiều để đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm…”.