Dịch bệnh được kiểm soát, sẵn sàng thay đổi phương thức học tập

GD&TĐ - Dịch bệnh đang dần được kiểm soát ở nhiều nơi, do đó bên cạnh một số địa phương đã cho học sinh trở lại trường học tập thì nhiều địa phương cũng rục rịch chuẩn bị.

Chương trình GDPT mới đòi hỏi công tác quản trị trường học thay đổi và khoa học. Ảnh minh họa
Chương trình GDPT mới đòi hỏi công tác quản trị trường học thay đổi và khoa học. Ảnh minh họa

Để sự thay đổi trạng thái học tập không đột ngột và giúp các em thích ứng nhanh thì gia đình, nhà trường, giáo viên cần chuẩn bị sẵn sàng mọi phương diện. 

Chủ động thích ứng

Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (TP Bắc Ninh – Bắc Ninh), chia sẻ: Từ khai giảng tới nay, trường đã chuyển trạng thái dạy học từ trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại không dưới 3 lần do dịch phức tạp. Trong bối cảnh đó, nhà trường, giáo viên đã rút ra những kinh nghiệm.

Nếu dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn, giáo viên phải sẵn sàng tâm lý, chuyên môn để chuyển trạng thái dạy học trực tiếp, trực tuyến. Bài giảng chuyên môn được tổ khối xây dựng cả 2 phương án dạy học để ban giám hiệu kiểm duyệt, góp ý.

Đặc biệt, chuyển từ dạy học trực tuyến sang trực tiếp, giáo viên tận dụng tối đa thời gian trên lớp để vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn luyện lại kiến thức trong thời gian học online. Dạy học phải bám sát hướng dẫn giảm tải của Bộ để tránh dạy dồn kiến thức, gây áp lực học tập cho học sinh.

Dù điều chỉnh giáo án, thay đổi phương thức dạy học vẫn phải bảo đảm đúng, đủ, không nhanh, không chậm so với yêu cầu chung. Giáo viên phải giải quyết công việc trên lớp linh hoạt; giữ tinh thần thái độ tích cực tránh ảnh hưởng tới việc dạy học.

Bảo đảm phòng, chống dịch vô cùng quan trọng khi HS trở lại học trực tiếp. Ảnh: NTCC
Bảo đảm phòng, chống dịch vô cùng quan trọng khi HS trở lại học trực tiếp. Ảnh: NTCC
“Sẽ không tận dụng thời gian vàng quá đà để tăng cường, dồn ép kiến thức lên học sinh. Những cuộc thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố… đều hạn chế nên giáo viên càng không có lý do để vội vàng, tăng cường, đẩy nhanh kiến thức. Việc dạy học sẽ diễn ra với tâm thế, mục tiêu lớn nhất là bảo đảm cho học sinh kiến thức cơ bản” – cô  Lan nói.

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm - Hà Nội), trao đổi: Khi học sinh trở lại, việc đầu tiên trường sẽ làm thật tốt là công tác, phòng chống dịch. Sau đó khảo sát chất lượng học tập online để có kế hoạch bù kiến thức cho các em (nếu cần). Việc xây dựng giáo án từ trực tuyến sang trực tiếp không đáng lo ngại, bởi giáo viên đã dạy học trực tiếp nhiều năm nay, hơn thế có thể kết hợp linh hoạt, bổ sung nội dung, kiến thức của dạy học trực tuyến…

Cô Nguyễn Hồng Hải, GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình – Hà Nội), bày tỏ: Học sinh đang học trực tuyến chuyển sang trực tiếp chắc chắn sẽ có những “chệch choạc” nhất định về kiến thức lẫn ý thức học tập. Mặt khác, các em đang dần quen với học online (thời gian học ngắn, không gò bó theo khuôn phép; tương tác giữa giáo viên và học sinh không nhiều…). Vì vậy chuyển sang học trực tuyến, giáo viên sẽ phải quan tâm tới việc bổ sung kiến thức; xây dựng nền nếp nội quy lớp học…

Nhà trường, gia đình cần chuẩn bị kĩ càng cho việc HS trở lại học trực tiếp. Ảnh: NTCC
Nhà trường, gia đình cần chuẩn bị kĩ càng cho việc HS trở lại học trực tiếp. Ảnh: NTCC

Bảo đảm trong trạng thái bình thường mới

Thay đổi trạng thái học tập chắc chắn sẽ đặt ra những vấn đề thực tế mà các nhà trường, giáo viên, phụ huynh phải quan tâm, đồng hành giải quyết.

Dưới góc nhìn của PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - Khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục): Trước hết, việc học trực tiếp ở “vùng xanh” hay cấp độ 1, 2, 3 thì gia đình và nhà trường cần kết hợp để giáo dục học sinh thực hiện tốt 5K. Ở nhà, bố mẹ cần trang bị sẵn khẩu trang, theo dõi sức khỏe của trẻ; Có bất kỳ biểu hiện sốt, đau họng, mệt mỏi… đều phải chủ động đi khám và để HS theo dõi tại nhà. Tránh cố đưa trẻ tới trường, đẩy trách nhiệm cho nhà trường, GV.

Ở góc độ tâm lý, theo PGS Trần Thị Minh Hằng, chuyển từ học online sang trực tiếp, tập trung học sinh sẽ có biểu hiện cảm xúc vượt quá như nói chuyện nhiều hơn với bạn trong giờ học, tăng hoạt động chạy nhảy, tụ tập… Như vậy, giáo viên sẽ phải tích cực nhắc nhở để bảo đảm giãn cách và giúp học sinh thích ứng dần với học trực tiếp. Đặc biệt, giáo viên phải thực sự gần gũi, trao đổi thân thiện với học trò.

Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc), cũng cho rằng, trở lại học trực tiếp cả giáo viên, học sinh đều vui nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Trước hết, nhà trường, học sinh sẽ phải thực hiện chủ trương “Lớp giãn cách lớp, lớp tự bảo vệ lớp”; mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa học tập.

Khâu tổ chức dạy học trong trạng thái “bình thường mới” cũng cần được lưu tâm thực hiện tốt bởi khi thầy cô bị quá tải, quá áp lực, chắc chắn hiệu quả lao động sư phạm ảnh hưởng, càng khó lường hơn nếu “trạng thái” này kéo dài. Một trong những giải pháp có thể triển khai là làm cho lớp học trở nên vui hơn, giáo viên được giảm tải thông qua việc chuyển đổi số và ứng dụng các phương pháp dạy học mới.

Đối với các trường, lớp bảo đảm cơ sở vật chất (đường truyền Internet, máy chiếu, máy tính có kết nối mạng) giáo viên có thể áp dụng những sản phẩm trực tuyến như game, video vui nhộn, âm nhạc, các hình thức hoạt động tại chỗ… để các em được thư giãn trong giờ học. Có thể ứng dụng các học liệu điện tử để công việc đỡ áp lực hơn và nâng cao chất lượng, tăng cường hứng thú học tập ở trạng thái bình thường mới.

Với những trường, lớp chưa có điều kiện thì giáo viên có thể lựa chọn các mini game trong lớp học, các trò chơi vận động tại chỗ để các em lấy lại thăng bằng trong và sau các giờ học trực tiếp…

“Chúng ta có thể tin tưởng đội ngũ giáo viên luôn có tinh thần sáng tạo cao, bằng hình thức này hay khác sẽ đưa ra những phương pháp và hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với các em khi chuyển đổi trạng thái dạy và học…” – thầy Mạnh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ