Kiểm soát chất lượng không khí như thế nào để phòng chống ô nhiễm?

Không khí ô nhiễm do tốc độ đô thị hóa nhanh (Ảnh VK)
Không khí ô nhiễm do tốc độ đô thị hóa nhanh (Ảnh VK)

Vì sao không khí ô nhiễm

Mặc dù các Bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành phố đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên, ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn được xác định đó là từ phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn.

Thống kê ở Hà Nội có 770.000 ô tô và khoảng gần 6 triệu xe máy. Năm nay, số lượng phương tiện giao thông tăng 15%. Trong khi đó, ở TPHCM có gần 8 triệu xe máy, 700.000 ô tô, dù chưa kể số lượng phương tiện giao thông đi qua thành phố không hề nhỏ.

Thứ hai, do tốc độ đô thị hóa nhanh. Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.000 công trình đang xây dựng. TPHCM cũng đang có rất nhiều công trình xây dựng. Vì thế, hai thành phố trở thành đại công trường, là tác nhân gây ô nhiễm không khí, nhất là dịp cuối năm.

Ngoài ra, còn có lượng khí thải từ nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm. Như TP.HCM có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm. Hà Nội đốt rơm rạ và vẫn có hơn 60.000 gia đình đang dùng bếp than tổ ong. Bên cạnh đó vấn đề đốt rác, đốt chất thải.

Đâu là giải pháp

Nhận thấy rõ tác hại của ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Trước thực trạng không khí của TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất những giải pháp giải quyết thực trạng để có những chỉ đạo kịp thời. 

Phương tiện giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí (Ảnh Internet)
Phương tiện giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí (Ảnh Internet) 

Tại Hội thảo Giải pháp kiểm soát môi trường không khí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải pháp trước mắt sẽ tập trung tăng cường và duy trì công tác quan trắc chất lượng môi trường không khí không chỉ ở Hà Nội và TP.HCM, mà cả các thành phố lớn để từ đó đánh giá chính xác chất lượng môi trường không khí, công bố công khai cho người dân được biết.

Nếu chất lượng môi trường không khí chạm hoặc vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin, khuyến cáo người dân có những biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Ông Hà cũng mong muốn UBND thành phố cần phun nước, điều tiết các luồng giao thông và cảnh báo các phương tiện cá nhân tham gia giao thông không được đi vào những khu đông dân cư, chỉ ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng. Với các phương tiện giao thông đi qua hai thành phố lớn trước khi vào cần phân luồng và có các biện pháp loại bỏ bụi bẩn…vv.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để đưa ra những văn bản quy định bảo vệ môi trường để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm không khí do xây dựng gây ra.

Ngoài ra, cần có những chính sách hỗ trợ người dân để hạn chế sử dụng bếp than tổ ong. Mục tiêu đến năm 2021, Hà Nội xóa sổ bếp than tổ ong. Hỗ trợ nông dân ngoại thành sau thu hoạch không đốt rơm rạ. Kiểm soát, giám sát những khu vực đốt rác thải, chất thải.

TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường khi trả lời phỏng vấn cũng nêu: "Về lâu dài, cần kiểm soát chặt chẽ khí thải của các phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện hết hạn sử dụng"

Các thành phố cần phát triển phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng tái tạo. Tại các điểm dừng xe đợi tín hiệu giao thông người dân nên tắt máy phương tiện. Đồng thời, đưa năng lượng tái tạo, điện khí thay thế các nguồn năng lượng cũ theo đúng với xu hướng thế giới hiện nay".

 Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp chính xác kết quả quan trắc không khí cho nhân dân được biết, tránh đưa thông tin không chính xác, khiến người dân lo ngại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.