Bước đệm quan trọng để các trường thực hiện trách nhiệm giải trình

GD&TĐ -Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong các trường đại học. Đây cũng bước khởi đầu quan trọng của các trường khi thực hiện tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình với xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục của Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga
PGS.TS Nguyễn Phương Nga

Trong quá trình KĐCLGD, PGS nhận định như thế nào về chất lượng đào tạo của các trường đại học hiện nay?

- Thực tiễn cho thấy, có sự khác nhau giữa một số trường đại học có bề dày truyền thống và những trường đại học còn “non trẻ về tuổi đời”. Thông thường nhiều người có suy nghĩ những hoạt động trong một trường đại học có bề dạy truyền thống sẽ bài bản và chuyên nghiệp hơn, kết quả các hoạt động của trường sẽ tốt hơn. Thực tiễn KĐCLGD cho thấy, có một vài trường thuộc diện “cây đa, cây đề” nhưng vẫn có hoạt động chưa được bài bản như mong đợi; có hoạt động vẫn đi theo lối mòn truyền thống, chưa bắt kịp với nhu cầu của thị trường lao động và chưa cập nhật được với sự phát triển của từng ngành nghề trong xã hội.

“Trong giai đoạn từ tháng 1/2016 - 30/5/2018, bốn Trung tâm KĐCLGD đã đánh giá ngoài 122 trường đại học và học viện, 3 trường cao đẳng, trong đó 117 trường đại học/học viện đã có Nghị quyết công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trong 117 trường đại học/học viện đó, có 15,4% là các trường đại học tư thục, 6,8% là trường trực thuộc UBND các tỉnh quản lý và 77,8% là trường/học viện trực thuộc các Bộ chủ quản và các đại học quốc gia, đại học vùng”. 
 PGS.TS Nguyễn Phương Nga

Trong số các trường đại học non trẻ về tuổi đời, có một số trường tiếp cận cái mới nhanh hơn, tuyển dụng được giảng viên trẻ có trình độ tiến sỹ tốt nghiệp từ nước ngoài, đồng thời nhà trường kết hợp với các doanh nghiệp để đào tạo sinh viên, sinh viên được trải nghiệm thực tiễn của các doanh nghiệp nhiều hơn trong quá trình 4 năm học đại học, nên khi ra trường sinh viên đã có các mối quan hệ gần gũi với các doanh nghiệp, các em năng động và dễ tìm được việc làm phù hợp.

Đánh giá chung của các nhà tuyển dụng được phỏng vấn trong quá trình đánh giá ngoài tại những trường đại học đã KĐCLGD trên cả nước không ai phủ nhận sinh viên Việt Nam có kiến thức khá vững vàng. Tuy nhiên, kỹ năng thực hành, ứng dụng vào thực tiễn còn thiếu.

Kiểm định chất lượng giáo dục là động lực quan trọng để các trường soi chiếu và xây dựng chiến lược phát triển
Kiểm định chất lượng giáo dục là động lực quan trọng để các trường soi chiếu và xây dựng chiến lược phát triển 

Nói cách khác, kỹ năng hành nghề của sinh viên tốt nghiệp đại đa số còn yếu. Cùng với đó, trình độ ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp chưa đạt yêu cầu của các nhà tuyển dụng, hầu hết khi tuyển dụng các bạn trẻ mới tốt nghiệp, các nhà tuyển dụng đều phải đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, kỹ năng tác nghiệp cho các bạn trẻ, đặc biệt các bạn đều phải được đào tạo bồi dưỡng thêm nhiều về kỹ năng tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp nói chung.

Ngoài ra, việc các trường tập trung dành thời gian đào tạo quá chuyên sâu về một chuyên ngành nào đó đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới hiện nay.

Nói như vậy có nghĩa là các trường cần phải điều chỉnh về lĩnh vực đào tạo. Vậy PGS có khuyến nghị gì cho các trường về những vấn đề nêu trên?

- Thiết nghĩ, đối với các trường đại học có những ngành đào tạo với nhiều chuyên ngành quá chuyên sâu, nhà trường nên nghiên cứu, rà soát lại các chương trình đào tạo này để tổ chức đào tạo theo ngành phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng nền tảng của ngành học vững chắc để mở rộng được cơ hội có việc làm phù hợp ngành nghề khi tốt nghiệp.

Mặt khác, các trường đại học nhất thiết cần liên kết với doanh nghiệp, đây là điều kiện tiên quyết, để mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo bồi dưỡng tay nghề, các kỹ năng thực hành cho sinh viên; có những giờ giảng với sự vào cuộc của các doanh nghiệp; đồng thời khai thác sự đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhằm giải quyết những nhu cầu của doanh nghiệp. Với những liên kết như vậy, sinh viên có được nhiều điều kiện để được cọ sát với thực tế nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Xin cảm ơn PGS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.