Sputnik đăng tải bài phân tích cho thấy, việc phương Tây đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào uranium Nga, nhiên liệu chính cho các lò phản ứng hạt nhân, có thể dẫn tới một kịch bản đáng sợ.
EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với tập đoàn nhà nước Rosatom của Nga, công ty điều hành các nhà máy điện nguyên tử của nước này.
Sau đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua vào ngày 30 tháng 4 dự luật cấm nhập khẩu uranium của Nga và vẫn đang chờ được Tổng thống Biden ký thành luật.
Điều đáng nói là các lệnh trừng phạt sẽ dẫn tới việc từ chối mua nhiên liệu hạt nhân của Nga, thay thế bằng các lựa chọn thay thế do phương Tây sản xuất. Trong những tuần gần đây, hai mối nguy hiểm xuất phát từ chính sách này của phương Tây đã trở nên rõ ràng.
Đầu tiên, việc cung cấp nhiên liệu không phải của Nga cho các lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất ở Đông Âu có thể nguy hiểm.
Năm 2019, khi các nhà máy điện hạt nhân Ukraine bắt đầu sử dụng nhiên liệu do công ty Westinghouse của Mỹ sản xuất vì lý do chính trị, Giám đốc điều hành Rosatom Alexey Likhachev giải thích rằng các lò phản ứng của Nga yêu cầu nhiên liệu được sản xuất theo tiêu chuẩn của Nga. Việc điều chỉnh các lò phản ứng của Nga để sử dụng nhiên liệu từ Westinghouse là có thể, nhưng cần có sự hợp tác. Tuy nhiên, điều này không được phía phương Tây hoan nghênh.
Các lò phản ứng của Nga và Liên Xô vẫn đang vận hành ở nhiều nước châu Âu, trong đó có Cộng hòa Séc, Slovakia, Bulgaria và Phần Lan.
Mối nguy hiểm thứ hai là EU không có khả năng thay thế nhiên liệu của Nga trong tình thế chưa có đầy đủ nguồn nhiên liệu thay thế. Nếu hợp tác với Nga dừng lại, châu Âu sẽ phải đóng cửa thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân sản xuất năng lượng.
Sau khi Đức “thoát khỏi nguyên tử” vào năm 2022 và sự sụt giảm sản lượng ở Pháp và Anh, việc ngừng hoạt động thêm nữa có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Cả tập đoàn nhà nước Rosatom của Nga và các chuyên gia quốc tế gần đây đều cảnh báo về những rủi ro từ chính sách của phương Tây nhằm thay thế nhiên liệu và công nghệ của Nga bằng những lựa chọn thay thế kém tin cậy hơn của phương Tây.
Rosatom cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 6 tháng 5: “Bối cảnh chính trị không nên gây bất ổn cho các quy trình thị trường. Hợp tác quốc tế dựa trên các điều kiện thị trường minh bạch và cùng có lợi hiện có tầm quan trọng đặc biệt”.
Hôm 8/5, London tuyên bố sẽ chi gần 196 triệu bảng Anh (251 triệu USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất uranium làm giàu thấp (HALEU) ở tây bắc nước Anh. Dự án này được cho là sẽ thúc đẩy lĩnh vực năng lượng hạt nhân đang suy yếu của Anh và Pháp, biến HALEU trở thành “nhiên liệu hạt nhân của tương lai”.
Thứ trưởng Ngoại giao Anh về hạt nhân và năng lượng tái tạo Andrew Bowie cho biết: “Bằng cách trao cho Urenco (một công ty sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy hạt nhân của Mỹ từ năm 1971) trị giá 196 triệu bảng Anh để xây dựng cơ sở sản xuất HALEU mới ở Cheshire, chúng tôi muốn giúp các đồng minh châu Âu của mình thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hạt nhân của Nga”.
Sputnik cho rằng, điều này nghe có vẻ "buồn cười" trong bối cảnh sản lượng năng lượng hạt nhân của Anh sụt giảm mạnh. Trong khi gã khổng lồ điện lực của Pháp EDF đang chật vật với khoản tiền phạt 12,9 tỷ euro vì chậm trễ xây dựng và gây tình trạng mất điện ở Anh và một số quốc gia châu Âu.
Hinckley Point C - một dự án nhà máy điện hạt nhân lớn của Anh vừa phải tuyên bố trì hoãn việc xây dựng trong 4 năm tới, có nghĩa là nó có thể chỉ đi vào hoạt động vào năm 2031.
Tờ Guardian đưa tin: “Công ty CGN của Trung Quốc đã ngừng ủng hộ việc triển khai vượt tiến độ dự án tại Hinkley vì các rủi ro an ninh".
Rõ ràng, các nhà đầu tư Trung Quốc đã lo ngại các lệnh trừng phạt mới sẽ xảy ra trong tương lai và để ngành năng lượng hạt nhân châu Âu tự lo liệu cho các thiết bị của mình vì tính không đáng tin cậy và các lệnh trừng phạt của phương Tây.